Dân Việt

Kỳ lạ về người phụ nữ gần 30 năm mang thân phận của đàn ông

Thanh Liêm (Dòng Đời) 20/10/2013 12:56 GMT+7
Tưởng rằng mọi chuyện đã rõ ràng nhưng người phụ nữ đó đã gần 30 năm mang thân phận nam nhi, với những muộn phiền, rắc rối không đáng có vì giấy tờ của chị mang tên Ngô Văn H.
Do bộ phận sinh dục bị dị dạng nên khi vừa mới chào đời, chị H., được nhận định là giới tính nam. Đến tuổi dậy thì, chị H. được phẫu thuật xác định lại giới tính. Tưởng rằng mọi chuyện đã rõ ràng nhưng người phụ nữ đó đã gần 30 năm mang thân phận nam nhi, với những muộn phiền, rắc rối không đáng có vì giấy tờ của chị mang tên Ngô Văn H.. Dòng Đời đã về huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để tìm hiểu thực hư.
img
Chị H. và đứa con nuôi không được công nhận.

Trớ trêu một phận người

Năm 1984, vợ chồng ông Ngô Văn Kính (SN 1963) và bà Trần Thị Giang (SN 1964, ngụ xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) vui mừng chào đón đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa được bao lâu, bà Giang phát hiện bộ phận sinh dục con có biểu hiện lạ nên kiểm tra thì giật mình khi bộ phận sinh dục của bé sơ sinh có biểu hiện khác thường, nam không ra nam, nữ không ra nữ. Lập tức, người mẹ nghèo cùng người thân đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) điều trị.

Tại đây, sau khi kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy bộ phận sinh dục của con chị Giang có một cục u nhô lên, hé một khe nhỏ để đi tiểu tiện, hậu môn hoàn toàn không có. Vì vậy, các bác sĩ nhận định rằng bé sơ sinh có giới tính nam nên khuyên gia đình về làm giấy khai sinh là nam giới cho bé. Đồng thời, do sức khỏe của bé yếu không thể phẫu thuật nên các y bác sĩ đành phải gắn một lỗ hậu môn giả ngay bên cạnh hông cho cháu bé. “Về nhà, theo lời các y bác sĩ, vợ chồng tôi đi làm giấy khai sinh cho con là Ngô Văn H.. Từ đó, H. được xác định là bé trai nên gia đình cũng không còn lo lắng nhiều về giới tính của cháu”, bà Giang cho biết.

Tiếp lời mẹ, chị H. cho biết từ khi sinh ra đến lúc đi học và biết nhận thức, chị đã cảm nhận mình là nữ giới. Song vì mọi người nói chị là con trai nên đi học ăn vận như con trai, trong lớp thầy cô cũng xếp chung bàn với đám bạn trai. “Càng ngày, ý thức phụ nữ của tôi không chỉ thể hiện ở tâm lý mà còn thể hiện ở sinh lý khi cơ thể tôi phát triển dần về tính cách lẫn ngoại hình. Vì vậy, bạn bè thường trêu chọc khiến tôi không thể tiếp tục đến trường, đành phải bỏ dở việc học khi mới lên lớp 6”, chị H. rầu rĩ.
Biên bản xác định giới tính của chị H.
Biên bản xác định giới tính của chị H.
Đến năm 13 tuổi, sinh lý giới nữ của H. ngày càng phát triển mạnh mẽ, vượt qua tầm kiểm soát của bản thân. Ngực H. bắt đầu phát triển to lên và thường xuyên than đau bụng. Khi đi kiểm tra lại thì lúc này, các bác sĩ mới xác định H. là nữ giới từ lúc mới sinh ra.

“Khi phát hiện con tôi có biểu hiện khác thường. Tôi sợ hãi tiếp tục vay tiền đưa cháu đi khám bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng I. Lần này các bác sĩ thông báo cháu là nữ giới. Nguyên nhân cháu đau bụng là do tuổi con gái mới lớn, đang trong thời kỳ kinh nguyệt nhưng do bộ phận sinh dục cấu tạo khác thường, dịch không thoát ra ngoài được mà bị ứ đọng trong bụng lâu ngày”, bà Giang chia sẻ.

Sau khi khám xong cho H., Bệnh viện Nhi đồng I đã viết giấy giới thiệu cho gia đình sang Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM để phẫu thuật chuyển hoàn toàn thành nữ giới cho H. “Là một người mẹ, ngần ấy năm nuôi con tôi cũng có cảm nhận là con mình có biểu hiện như con gái. Tuy nhiên, do trước đó được các bác sĩ chẩn đoán là nam giới nên tôi chỉ dám nghi ngờ mà không dám nói với ai”, bà Giang tâm sự. “Mãi tới khi cháu được phẫu thuật trở lại giới tính chính xác của mình, vợ chồng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Điều vui hơn là, từ lúc được làm con gái thật, không phải mặc đồ con trai, con gái tôi mới thật sự được trở lại là chính mình. Cháu vui vẻ hơn, hòa đồng với bạn bè hơn”.

Tưởng ngày tháng êm đẹp từ đây sẽ đến với H., song sự thật không hề đơn giản như thế. Mặc dù đã được xác định là con gái, nhưng khi đến tuổi trưởng thành, rắc rối đã đến với H., khi chị có người yêu và quyết định đi đến hôn nhân. Trớ trêu thay, chị H. không thể đăng ký kết hôn được khi trong giấy tờ của H. vẫn giữ nguyên là Nguyễn Văn H., với giới tính ban đầu là nam. Thậm chí, khi vợ chồng H. xin con nuôi cũng không được chấp nhận vì giới tính của mình.

Không được công nhận

Theo lời ông Ngô Văn Kính, sau khi phẫu thuật cho con gái trở lại giới tính nữ và được các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ viết giấy chứng nhận để về làm lại giấy khai sinh, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn và do chủ quan không nghĩ đến hậu quả lớn sau này nên ông Kính quên bẵng đi. Hơn một năm sau, vợ chồng ông ra chính quyền làm lại giấy khai sinh cho chị H. thì phát hiện đã mất giấy chứng nhận của bệnh viện Từ Dũ. Từ đây, những rắc rối liên tiếp đổ lên đầu chị H., và gia đình.
img
Ông Phạm Đình Tùng, Phó chủ tịch xã Minh Thành.
Theo đó, khi ra làm giấy khai sinh cho con, ông Kính được chính quyền xã giới thiệu lên Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đơn vị này lại tiếp tục chuyển trường hợp của con ông lên Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước để được chứng nhận. Tại đây, các cán bộ Sở Tư pháp yêu cầu phải thành lập hội đồng giám định y khoa thì mới có thể công nhận giới tính thật sự của chị H..

“Để thành lập hội đồng giám định y khoa xác định lại giới tính cho con gái tôi phải có đủ chi phí 15 triệu đồng. Nhìn lại lúc này gia đình tôi nợ nần chồng chất, bán hết tài sản cũng chỉ được vài triệu thì lấy tiền đâu ra mà lo cho con. Vì không có tiền nên tôi đành chặc lưỡi ra về”, ông Kính trần tình. Rồi chính ông Kính kể tiếp, “bẵng đi một thời gian dài, năm 2010, con gái tôi lấy chồng thì lúc này những rắc rối mới thật sự đến với gia đình tôi. Vì là giới tính trong giấy khai sinh là nam nên H. không thể kết đăng ký kết hôn. Gia đình lại phải tiếp tục đi xin thay đổi lại giới tính cho con. Lần này, các cán bộ Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành cho biết chỉ cần có giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính là có thể cấp lại giấy khai sinh, vì vậy tôi lại tiếp tục đưa con đi giám định”, ông Kính nói.

Cuối tháng 10.2012, Phân viện Pháp y tại TP.HCM kết luận người có tên Ngô Văn H. là nữ giới. Tuy nhiên, biên bản này không được Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành công nhận vì đó không phải là “giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính theo mẫu đi kèm thông tư số 29 của bộ Y tế”. Cuối tháng 6.2013, Cục Hộ tịch - quốc tịch, chứng thực thuộc Bộ Tư pháp ra văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho Sở Tư pháp Bình Phước, yêu cầu chị H. cung cấp giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính của một trong hai Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

Chị H., cầm văn bản hướng dẫn và giấy giới thiệu của Phòng Tư pháp huyện đến Bệnh viện Nhi đồng 2 xin xác định giới tính thì nơi đây từ chối, lý do chỉ tiếp nhận xác định, can thiệp giới tính cho người từ 15 tuổi trở xuống.

“3 năm kết hôn, cũng là 3 năm đau khổ dằn vặt với bản thân tôi. Tôi phải nói dối chồng và gia đình chồng là mất giấy tờ nên chưa đăng ký kết hôn được. Ngay cả khi tôi bị u nang buồng trứng phải đi cắt bỏ không thể sinh con và đi xin con nuôi thì chính quyền cũng không cho phép tôi làm mẹ chỉ vì giấy khai sinh tôi ghi giới tính là nam giới”, chị H., rầu rĩ. “Tôi là một phụ nữ đích thực ngay từ khi mới sinh ra nhưng do cơ thể tôi bị dị dạng nên mới bị nhận nhầm là nam giới. Giờ tôi chỉ còn biết trông chờ vào các cơ quan chức năng để trả lại giới tính thật cho mình”.

Trao đổi với PV Dòng Đời, ông Phạm Đình Tùng - Phó chủ tịch UBND xã Minh Thành, huyện Chơn Thành - khẳng định vụ việc trên chính quyền địa phương nắm rất rõ từ đầu tới cuối. Ngay khi phát hiện sự việc, xã đã cũng hết sức nhiệt tình hướng dẫn cho H., làm lại giấy khai sinh. Tuy nhiên, do sự việc không thuộc thẩm quyền cấp xã nên cũng chỉ giúp đỡ H. bằng cách hướng dẫn lên Phòng Tư pháp huyện để làm lại giấy tờ.

Ông Tùng cũng cho rằng, sự việc kéo dài một phần lỗi do chính bản thân H. không tìm hiểu kỹ và không thật sự nhiệt tình trong việc hỏi cụ thể các cơ quan chức năng cần những giấy tờ gì để có thể phối hợp tốt hơn. “Việc đã đến nước này, xã cũng chỉ biết đề nghị các cơ quan chức năng sớm giám định làm rõ để trả lại giới tính thật cho H.”, ông Tùng đề nghị.