Dân Việt

Treo núi đá trên đầu và nín thở chờ lũ quét

06/01/2011 09:10 GMT+7
(Dân Việt) - Cả một cánh rừng với những ngọn núi bị đục thủng, trên độ cao 800m, nhiều người cho rằng, việc sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đang là cái hoạ treo trên đầu người dân Thiện Kế bất cứ lúc nào.

Treo núi đá trên đầu

img
Để tìm quặng từng mảng rừng bị trốc ngược lên … chờ lũ quét.

Nếu đi hết các điểm khai thác quặng thiếc trong Tiểu khu 866, chắc phải mất 3 ngày. Khối lượng đất đá ở đây có thể lên đến hàng vạn m3. Với kinh nghiệm nhiều năm sống ở rừng, ông Voòng Chăn, người thôn Thiện Kế nói: “Cứ tình hình này sớm muộn cũng xảy ra lũ quét, vì vùng Tam Đảo nổi tiếng là hứng mưa của miền Bắc”.

"Quặng tặc mà cứ hoành hành và khai thác một cách vô tổ chức như thế này thì về lâu về dài việc xảy ra lũ quét là không thể tránh khỏi" - Ông Dương Chí Thành- Chủ tịch UBND xã Thiện Kế

Theo ông Voòng Chăn, hầu hết các điểm khai thác thiếc là vùng đầu nguồn của suối Đất Lớn. Các ngọn đồi đã rỗng ruột, nhiều tảng đá bị móc lên, vứt lổng chổng thành đá mồ côi không chân thì chỉ cần một trận mưa to, những cây cối bị cuốn ngang đá chặn lại, sẽ tạo thành một cái đập ngang núi. Cho đến một lúc nào đó nó bục ra, “nhất thuỷ, nhì hoả”, sức mạnh của nước lũ thì ai cưỡng được.

Đã nhiều năm sống bằng nghề thuốc gia truyền, gia đình anh Nguyễn Đình Long thường xuyên phải vào rừng tìm thuốc. Gặp chúng tôi, anh cho biết: “Trước kia, suối Đất Lớn quanh năm trong xanh, rất sâu và không có bùn đất. Bây giờ thì lòng suối đầy bùn, đều từ những lò khai thác quặng tuồn ra”. Anh Long bảo, bây giờ cứ mỗi trận mưa lớn, lượng bùn này lại đổ ra cánh đồng lúa. Bởi trong bùn có quặng thiếc nên bùn chảy đến đâu, cây cối hoa màu chết đến đó.

Còn ông Dương Chí Thành - Chủ tịch UBND xã Thiện Kế, người chứng kiến sự đào bới của quặng tặc suốt 10 năm qua phải thừa nhận: Cứ đà quặng tặc hoành hành thế này thì về lâu về dài việc xảy ra lũ quét là không thể tránh khỏi. “Chúng tôi chỉ biết vậy thôi chứ không có cách nào tránh được. Nếu xảy ra lũ quét thì nhiều hộ dân sống cạnh suối sẽ bị “thổi” bay. Nhưng dân ở đây không biết sợ, họ vẫn ngang nhiên vào rừng đào quặng. Chính quyền xã đã nhiều lần vận động nhưng không ngăn chặn được”- ông Thành mệt mỏi nói.

Bó tay

Trên đường xuống núi, chúng tôi đi qua chốt của Trạm Kiểm lâm Thiện Kế. Trước mắt chúng tôi, điểm chốt này chỉ còn lại một ngôi nhà hoang đã nhiều năm không có người ở, cỏ dại vây kín cửa. Phải nhiều lần hỏi thăm tôi mới tới được trụ sở Trạm Kiểm lâm Thiện Kế, cách Tiểu khu 866 khoảng 4km. Tại Trạm chỉ có duy nhất anh Dương Đình Trụ trực.

Anh Trụ thừa nhận: “Đúng là Hạt Kiểm lâm làm chủ rừng ở Tiểu khu 866. Các khu vực xung quanh đã giao cho ông Lộc Đức Lượng cùng bảo vệ, nhưng ông Lượng đã chết cách đây 2 năm, nên Trạm cũng mất luôn người hỗ trợ bảo vệ. Vì vậy khi người dân lén lút vào khai thác quặng thiếc thì lực lượng kiểm lâm cũng không thể ngăn chặn triệt để được”.

Anh Trụ cũng cho biết thêm, từ nhiều năm nay, dân xung quanh khu vực này đã không còn săn bắn, đốn trộm gỗ nữa. Kiểm lâm chỉ phải làm duy nhất một việc là ngăn đào quặng trộm nhưng cũng chưa hiệu quả.

Ngược về TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), chúng tôi mới tìm gặp được ông Nguyễn Đức Khải - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thiện Kế. Ông Khải cho biết: Mới đây, Trạm Kiểm lâm đã bí mật tổ chức trèo lên tận núi mật phục và bắt được một số đối tượng đang đào quặng trộm.

Tuy nhiên, lợi dụng số đông và đêm tối, những đối tượng này đã gây áp lực, ép các kiểm lâm viên phải thả người. Cuối cùng các đối tượng khai thác quặng trái phép đã tẩu thoát trước sự bất lực đến ngỡ ngàng của lực lượng kiểm lâm. Khi được hỏi đối tượng đó là ai thì ông Khải nhất định không trả lời mà chỉ nói rằng do đêm tối nên không nhận mặt được.

Khác với những gì chúng tôi chứng kiến, ông Nguyễn Đình Tiến - Giám đốc Vườn quốc gia Tam Đảo cho rằng, việc khai thác trái phép quặng thiếc ở xã Thiện Kế chỉ là khai thác nhỏ lẻ, mót lại “có khoảng vài ba hầm làm không đáng kể”.

Trách nhiệm của Ban quản lý Vườn quốc gia là phối hợp với Công an huyện và chính quyền địa phương tổ chức ngăn chặn quyết liệt, bằng các biện pháp như: Đổ thuốc sâu vào hầm, vận động người dân quanh khu vực không tham gia đào đãi quặng. Còn việc đánh sập các cửa hầm thì không làm được, vì theo ông Tiến: “Có đánh sập thì người dân cũng bới ra để tiếp tục khai thác. Hàng năm, chúng tôi đều báo cáo xuống Bộ NN&PTNT rồi”.

Với quan điểm làm việc thiếu quyết liệt của lực lượng bảo vệ rừng ở đây, không có gì là lạ khi Vườn quốc gia Tam Đảo - lá phổi xanh của miền Bắc bị phá tan hoang.