Chiều 29.10, Quốc hội thảo luận ở tổ để bàn về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng chống tham nhũng năm 2013, kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012 của Quốc hội.
Đại biểu (ĐB) đoàn Hà Nội Đỗ Kim Tuyến cho rằng việc xử lý hành chính hiện còn nhiều bất cập, vì có nhiều cơ quan chức năng cùng xử lý, thống kê chưa đều. Một số liệu đáng suy nghĩ, đó là 7 triệu vi phạm hành chính bị xử lý, trong đó có 6,4 triệu vi phạm liên quan đến vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Cũng theo ĐB Tuyến, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại nhân thân như hiếp dâm, cưỡng dâm, mấy năm nay đều cao phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Cần quan tâm xây dựng cơ chế thanh tra kiểm tra, phải đánh giá lại xem trách nhiệm của ai trước những vụ việc vi phạm nghiêm trọng xảy ra. Theo ông Tuyến, vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường cần làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan, riêng công tác thanh tra phải củng cố.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng còn thiếu việc xử lý với người đứng đầu ở các cơ quan khi có cán bộ, công chức của cơ quan mình vi phạm pháp luật. Một vấn đề bức thiết mà ông Chung nêu ra là tội phạm vị thành niên theo thống kê chiếm tới 36 -37%, tội phạm ngày càng trẻ hóa là mối nguy hiểm lớn cho xã hội.
Tiếp ý ông Chung, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho biết năm nào ông cũng đi nhà giam, gặp những phạm nhân mới 14 - 16 đã phạm tội giết người. “Rất đáng buồn, rất day dứt vì đứa trẻ ít tuổi đã phạm tội nguy hiểm. Một năm có từ 140.000 - 170.000 tội phạm hoành hành ngoài xã hội là vấn đề rất lớn. Chính phủ cần phải xem xét tăng cường công tác phòng ngừa”- ĐB Quyền nêu ý kiến.
Nói về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, người đứng đầu khi phòng, chống tham nhũng phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý những việc có hành vi liên quan. Dự án càng lớn thì càng phải tập trung.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, có quan điểm “nếu thực hiện đúng giải pháp thì sẽ giải quyết được tham nhũng”, nhưng đó chỉ là quan điểm trên báo cáo. Cần xem lại cơ chế quản lý nhà nước vì tại sao lại có tham nhũng?... “Cần nhìn kỹ là sự nhũng nhiễu của cán bộ có sự tiếp tay của nhân dân. Nếu có sự minh bạch thì công dân không phải làm gì khuất tất” - ĐB Tâm nói.