Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tháng 5. 2012, HTX Nông nghiệp Hòa Bình, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà con xã viên đang thu hoạch rau an toàn.
Khi mới thành lập, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã trực tiếp hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn cho hơn 10 hộ tham gia với diện tích gần 1ha.
Nhưng đến nay, sản xuất rau an toàn ở HTX Nông nghiệp Hòa Bình đã thu hút trên 300 hộ tham gia với tổng diện tích trên 11,7ha. Sản phẩm rau an toàn ngày càng đa dạng với các loại rau ăn lá, ăn quả, ăn củ như: Ngọn bí, súp lơ xanh, cải ngọt, củ cải, rau thơm, cà chua, bí, khoai…
Ông Trịnh Văn Vịnh - Chủ nhiệm HTX Hòa Bình cho biết: “Do sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP nên bà con xã viên phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, ban đầu khi triển khai mô hình cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thấy lợi ích từ việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại, nhiều hộ đã tự nguyện đăng ký tham gia trồng rau an toàn. Nếu so với làm nông nghiệp, trồng rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần”.
Ngoài ra, quá trình trồng rau an toàn phải tuân thủ theo đúng các quy trình kỹ thuật: Từ cách làm đất, ủ phân, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép. Nhờ đó, đã hạn chế được sự phát sinh của sâu bệnh, thời gian thu hoạch và bảo đảm về chất lượng và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một trong những hộ trồng rau đầu tiên của HTX Hòa Bình cho biết: “Gia đình tôi đã nhiều năm trồng rau theo phương thức truyền thống, canh tác đại trà, chăm sóc theo kinh nghiệm, nhưng từ khi áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn, rau bảo đảm chất lượng nên đầu ra ổn định hơn trước kia”.
Còn hộ chị Lê Thị Anh đang thu hoạch những luống rau cải xanh mướt thì chia sẻ: “Trồng rau an toàn tuy có nhiều quy định nhưng bà con chúng tôi lại được hướng dẫn kỹ thuật và tất nhiên thu nhập hơn hẳn so với trước đây”. Được biết trung bình mỗi sào cho thu nhập từ 3- 4 triệu đồng 1 tháng nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.
Mô hình sản xuất rau an toàn ở HTX Hòa Bình không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà điều quan trọng hơn là mô hình tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mô hình sản xuất rau an toàn cũng gặp không ít khó khăn như: Đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế, việc tuyên truyền giới thiệu tới mọi người thế nào là rau an toàn vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên vẫn còn nhiều người nghi ngờ về chất lượng. Trong khi người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được rau an toàn và không an toàn.
Để nâng cao chất lượng, HTX Hòa Bình đã được đầu tư xây dựng nhà sơ chế và đóng gói với số vốn gần 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó sản phẩm rau an toàn Hòa Bình còn được Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội kiểm tra đánh giá và cấp tem khẳng định chất lượng sản phẩm: “Điều khó khăn nhất hiện nay của bà con xã viên trong HTX Hòa Bình đó là nơi bao tiêu sản phẩn.
Bởi hiện nay trên khắp thành phố Hà Nội mới chỉ có gần 10 địa điểm bán hàng rau an toàn, nhiều nhất là ở số 113 đường Hoàng Văn Thái cũng chỉ trên dưới 1 tạ mỗi ngày. Nếu có chỗ đứng ổn định trên thị trường, chúng tôi khẳng định mỗi ngày sẽ cung cấp từ 1 -2 tấn rau xanh đảm bảo chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng, ông Trịnh Văn Vịnh - Chủ nhiệm HTX Hòa Bình chia sẻ.