Nông dân thờ ơNăm 2010, để phục vụ tốt hơn cho sản xuất, tránh việc bị thương lái ép giá, gia đình ông Nguyễn Văn Thu (thôn Nà Đúc I, xã Địa Linh, huyện Ba Bể) đã trang bị một máy ép củ dong riềng để làm miến, chế biến bột thô.
Máy thì mua lại, nhìn thấy người ta làm thế nào thì ông cũng làm theo, không để ý phải học vận hành, kiểm tra độ an toàn của máy trước khi sử dụng. Cũng chính bởi tâm lý chủ quan ấy, chỉ sau 2 tháng mua và sử dụng chiếc máy tự chế, con trai của ông Thu gặp tai nạn, bị máy ép cuốn vào và nghiền nát mất 1 bàn tay.
Nhiều nông dân chưa được trang bị kiến thức để vậ n dụng máy móc an toàn.
Ông cho biết: “Gia đình tôi từ nhiều đời nay vẫn làm nông nghiệp. Công việc chính là trồng dong riềng và chè. Việc sản xuất, canh tác chủ yếu theo phương pháp thủ công, hầu như không áp dụng máy móc hay sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Gần đây mới sử dụng máy móc, không ngờ đã bị tai nạn”.
Khi trò chuyện với phóng viên, ông Thu mới biết an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong nông nghiệp không chỉ là việc sử dụng máy móc cho an toàn, mà còn cả an toàn khi làm các việc khác.
Không riêng gì ông Thu, nhiều nông dân trong thôn vẫn có tâm lý thờ ơ, phó mặc chuyện ATVSLĐ cho may rủi. Chỉ sau khi bản thân, hoặc người nhà gặp phải tai nạn mới nghĩ đến chuyện cần phải trang bị kiến thức, cẩn trọng hơn trong quá trình lao động, sản xuất.
Nghe dễ, làm khó Ông Mai Xuân Thu – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn cho biết, phát triển ngành sản xuất, chế biến dong riềng đang là định hướng lâu dài, mục tiêu phát triển kinh tế trọng tâm của tỉnh. Trong năm 2013, Sở LĐTBXH cũng đã xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tập huấn thuộc Dự án 1 “Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ” và Dự án 3 “Tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ áp dụng các biện pháp kỹ thuật về ATVSLĐ” trong Chương trình quốc gia về ATVSLĐ tỉnh Bắc Kạn năm 2013.
Theo đó, Sở LĐTBXH đã phối hợp với một số đơn vị (trong đó có cả Cục An toàn lao động) mở 3 lớp tập huấn ATVSLĐ cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 1 lớp dành cho 10 doanh nghiệp chế biến nông lâm sản, 1 lớp dành cho doanh nghiệp xây dựng và 1 lớp dành cho các cán bộ làm công tác quản lý tại địa phương của tỉnh. Về phía nông dân thì cũng có một vài lớp tập huấn WIND được triển khai rải rác từ vài năm nay…
Bắc Kạn dự toán Chương trình ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh là 2,47 tỷ đồng, triển khai với 4 nội dung chính, trong đó có hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng; ứng dụng khoa học công nghệ về bảo hộ lao động, ATVSLĐ, nhằm cải thiện điều kiện làm việc trong các ngành sản xuất có nguy cơ xảy ra mất ATVSLĐ.
|
“Lúc học thì hào hứng sôi nổi, nhưng học xong đâu lại vào đó. Không phải doanh nghiệp, nông dân nào cũng ứng dụng đảm bảo ATLĐ trong quá trình sản xuất. Họ e ngại vì vấn đề tài chính” – ông Thu giải thích.
Theo ông Nguyễn Tiến Cương – Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐTBXH Bắc Kạn) thì tai nạn lao động trên địa bàn còn nhiều, Sở đã xử lý 3 vụ sai phạm về đảm bảo điều kiện trong quá trình lao động, xử lý một vụ tai nạn xây dựng làm chết người.
Ngoài ra, Sở cũng đã triển khai phát phiếu tự kiểm tra pháp luật lao động đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. “Mặc dù công tác đảm bảo ATVSLĐ được thực hiện rất quyết liệt nhưng công nhận hiệu quả còn rất thấp, nguyên nhân chính vẫn là do tâm lý chủ quan, thờ ơ của người dân và các doanh nghiệp” – ông Cương nói.
Hiện, để đẩy mạnh ý thức ATVSLĐ, tỉnh Bắc Kạn hướng trọng tâm tới việc tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo ATLĐ tại nơi sản xuất, cho cả đối tượng nông dân và doanh nghiệp.