Dân Việt

Vụ “Bác sỹ thả xác bệnh nhân trôi sông”: Đại biểu Quốc hội nói gì?

Hải Phong (ghi) 23/10/2013 14:20 GMT+7
Sáng nay, 23.10, trong giờ nghỉ giải lao của phiên thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Phạm Ý Nhi (Đoàn Hà Nội) – GĐ BV Xanh Pôn, đã chia sẻ về vấn đề y đức xung quanh vụ “Bác sỹ thả xác bệnh nhân trôi sông”.

Sự việc quá khủng khiếp

Thưa bà, bà bình luận gì về việc vụ việc BS Nguyễn Mạnh Tường sau khi làm chết bệnh nhân đã đem thi thể bệnh nhân thả trôi sông để phi tang vừa xảy ra tại Hà Nội?

- Trước tiên phải nói bác sĩ ở bệnh viện công ra mở phòng khám tư là việc luật cho phép. Vấn đề là phải làm đúng theo giấy phép, phải làm việc ngoài giờ, không làm trong giờ làm việc công. Hai nữa, được cấp phép cho làm những nội dung nào thì phải làm đúng nội dung đó.

Nếu kỹ thuật anh triển khai không nằm trong nội dung được cấp phép thì rõ ràng anh đã sai vì khi đã cấp phép cho làm những kỹ thuật gì thì nghĩa là cơ quan chức năng đã phải kiểm tra, xác minh cơ sở đó có đủ điều kiện để làm những nội dung đó, để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ví dụ cơ sở phải đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị, chứng chỉ tay nghề của bác sĩ, cán bộ y tế...

Thậm chí dù đã làm đầy đủ những vấn đề đó rồi thì tai biến vẫn có thể xảy ra, ở bất kể đâu, trong bệnh viện công cũng như bệnh viện tư. Khi đó, xử trí của con người là vô cùng quan trọng, trước hết phải xử trí đúng cách, theo đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật.

Trong trường hợp tai biến nặng, phải xử trí tại chỗ, nếu cần phải mời người hỗ trợ về mặt chuyên môn để đảm bảo cấp cứu người bệnh đúng cách, an toàn và kịp thời nhất. Trong trường hợp được phép thì phải di chuyển tới những cơ sở có trình độ cao hơn.

imgĐBQH Nguyễn Phạm Ý Nhi trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Sự việc vừa qua xảy ra là điều rất xấu đối với ngành y. Là một người làm trong ngành y tôi thấy rất đau xót. Sự việc xảy ra quá khủng khiếp.

Bên cạnh việc thực hiện không đúng quy trình chuyên môn, vụ việc còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp vì trong mọi trường hợp, phải tiến hành cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhân và thay vì việc đưa ra ngoài, phải đưa người bệnh vào ngay bệnh viện, nhất là thẩm mỹ viện này lại nằm gần ngay bệnh viện Bạch Mai.

Phải đặt tính mạng, quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết mọi vấn đề. Còn trong trường hợp bệnh nhân tử vong rồi, cũng phải làm theo đúng quy trình xử lý trong trường hợp này.

Có một vấn đề đặt ra trong vụ việc này là trên trang web, tờ rơi quảng cáo của thẩm mỹ viện do BS Tường đứng đầu đều giới thiệu là bác sĩ tại khoa ngoại bệnh viện Bạch Mai, có kinh nghiệm, tay nghề cao được khẳng định… để thu hút khách hàng?

- Thật ra khi cấp phép cho một phòng khám tư, Sở Y tế bao giờ cũng phải xem xét người đứng đầu ở đấy, danh sách những người tham gia cũng phải đầy đủ. Tôi nghĩ nếu người bác sĩ làm trong cơ sở y tế nhà nước đi ra làm thêm ở cơ sở bên ngoài mà có hợp đồng trách nhiệm rõ ràng thì xưng danh như vậy cũng không sai vì chính khi thảo luận về Luật khám chữa bệnh lần trước, vấn đề đặt ra có cho phép các bác sĩ ở bệnh viện công ra khám chữa tại cơ sở y tế tư?

Cuối cùng hướng ủng hộ cũng nổi lên vì rõ ràng trong lúc nguồn lực cán bộ y tế còn yếu, các bệnh viện công lập đang quá tải, cần khuyến khích xã hội hóa, để các cơ sở y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh là để đáp ứng yêu cầu của người dân. Nếu dùng giờ không phải giờ làm việc để tham gia ở phòng khám ngoài thì vẫn được phép.

Và kể cả việc được cấp phép, đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thì vẫn có thể có tai biến xảy ra. Khi đó cần xử trí theo quy trình, không bao giờ được phép làm những việc như thẩm mỹ viện Cát Tường này đã làm.

Thông tin mới nhất, thẩm mỹ viện này hoạt động “chui” 6 tháng nay, mới chỉ có giấy phép kinh doanh, chưa được Sở Y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật nào?

- Tôi chưa có thông tin từ Sở Y tế nhưng tôi băn khoăn là với 1 tấm biển tên, quảng cáo lớn như thế treo trước thẩm mỹ viện thì nếu không được cấp phép có dám trưng biển như thế không, sao cơ quan thanh kiểm tra bỏ qua được? Còn có cấp phép hay không thì cũng phải xem xét danh mục kỹ thuật được thực hiện.

Rất nguy hiểm khi người bệnh mất niềm tin vào bác sỹ

Trong trường hợp này, trách nhiệm đặt ra với các cơ quan chủ quản cần phải đặt ra thế nào, thưa bà?

- Nếu nói về cơ quan chủ quản của cán bộ là bệnh viện, nếu thực sự người ta làm việc ngoài giờ, được cấp phép thì bệnh viện cũng không có quyền cấm, can thiệp. Ở đây tôi cho vấn đề chính là quản lý nhân sự tại cơ sở y tế tư nhân này - thẩm mỹ viện Cát Tường.

Thứ nhất, phải xem đăng ký ban đầu của người ta về danh sách nhân viên, cán bộ y tế hoạt động tại cơ sở, tránh chuyện tên người này nhưng thực tế lại do người khác làm, cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng khi quảng cáo bằng uy tín của người khác, của những bệnh viện có thương hiệu nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Ngay bệnh viện lớn như chúng tôi, danh mục kỹ thuật được thực hiện cũng phải được thẩm định, kiểm tra đầy đủ. Với những kỹ thuật mới chưa được nêu trong danh mục cũng phải trình lên Sở Y tế xem xét phê duyệt. Việc phê duyệt là cách để cơ quan quản lý kiểm tra về điều kiện trang thiết bị máy móc, con người thực hiện có đảm bảo không.

Được biết lãnh đạo ngành y tế đã sớm đưa ra lời xin lỗi với nhân dân về những vụ việc xảy ra trong ngành. Bà đánh giá thế nào về lời xin lỗi này?

- Đó là một thái độ rất đúng đắn vì dù sao, chỉ 1 cán bộ sai cũng ảnh hưởng tới toàn ngành. Lãnh đạo bộ có lời xin lỗi kịp thời như thế thì chúng tôi nghĩ rất cần thiết. Từ đây cũng đặt ra vấn đề, từ lời xin lỗi đó sẽ phải có giải pháp cho công tác quản lý thế nào.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ sai phạm, tiêu cực trong ngành y mà mỗi vụ đều thể hiện mức độ tăng cấp về tính chất nghiêm trọng, báo động về y đức. Là một cán bộ trong ngành, bà nhận thấy vấn đề này thế nào?

- Đúng là gần đây có rất nhiều vụ việc tiêu cực của ngành y tế mà bản thân là một nhà quản lý, tôi thấy rất đau lòng. Tôi cũng đánh giá đó là những sai phạm nghiêm trọng, làm mất uy tín, hình ảnh của đội ngũ cán bộ y tế.

Là người trong cuộc, tôi thấy cần luôn luôn tuyên truyền về vấn đề y đức. Thực ra với những quy trình chuyên môn kỹ thuật đề ra có thể kiểm soát được những việc này đều có, vấn đề là phải thực hiện cho tốt để hạn chế tối đa những sai phạm.

Tuy nhiên, cũng có chiều ngược lại, những vụ việc tiêu cực thì luôn được thông tin ngay, phản ánh rất nhanh. Với người quản lý chúng tôi, việc này rất quý ở chỗ qua những sai xót ở nơi khác có thể xem xét, soi lại mình vì có thể mình chưa rà được đến cùng. Nhưng thực sự trong ngành y tế, tôi vẫn khẳng định công việc vô cùng nhiều và phần đông cán bộ ngành y tốt, có tâm huyết.

Nếu đi vào những bệnh viện kể cả là đông, quá tải thì sẽ thấy bệnh nhân được cứu chữa rất nhiều. Công tác quản lý thế là cũng rất tương đối. Phải nói làm sao để người dân có niềm tin vào cán bộ y tế. nếu không có thì như hiện nay chúng tôi đang đối mặt với 2 vấn đề. Trước hết là thái độ cảnh giác, mất niềm tin của người dân với cán bộ y tế.

Đáng ra khi đến khám bệnh giữa bác sĩ và bệnh nhân cần thái độ cộng tác, đồng cảm, chia sẻ, thân tình. Nhưng người bệnh cảnh giác, thăm dò xem người này làm tốt hay không thì người cán bộ y tế cũng sẽ nảy sinh tâm lý tự vo tròn để đảm bảo an toàn cho mình so với việc hết lòng, khuyến cáo, khuyên bảo các vấn đề. Điều đó không có lợi cho cả 2 bên.

Xin cảm ơn bà!