Bài học nhãn tiềnĐược mệnh danh là tỉnh có truyền thống hiếu học, nhưng cũng chính vì sự hiếu học mà hiện toàn tỉnh Thanh Hoá đang “đọng” lại 25.000 cử nhân tốt nghiệp đại học (ĐH) chưa có việc làm, trong đó có 50 thạc sĩ. “Con số cử nhân thất nghiệp ngày một tăng, ngay cả đối tượng cử tuyển được tỉnh gửi đi đào tạo về giờ cũng chịu chung số phận” - ông Lê Văn Cương - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GDĐT Thanh Hoá) cho biết.
Thị trường lao động cần nhiều lao động có tay nghề nhưng rất nhiều học sinh không muốn học nghề.
Lê Văn C - cử nhân khoa Giáo dục Quốc phòng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, em đã tốt nghiệp ĐH 3 năm mà hiện vẫn chưa xin được việc làm. “Hiện em đang làm tạm công nhân tự do. Trường hợp như em thậm chí còn khó xin vào các công ty chính thức vì không có chứng chỉ nghề. Nhiều bạn bè em cũng thất nghiệp, đang làm tạm những công việc không liên quan tới chuyên môn”.
C cũng bày tỏ, giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không thiếu: “Khi học cấp THPT, bọn em chỉ đua nhau vào ĐH mà không để ý nhu cầu nhân lực. Nếu được phân luồng, định hướng rõ hơn, em sẽ chọn ngành học để dễ tìm kiếm việc làm chứ không như hiện nay”.
Ông Cương khẳng định đây chính là hệ quả của việc phân luồng chưa thành công của ngành giáo dục tỉnh nhà mà hậu quả nghiêm trọng không chỉ dừng lại ở việc sinh viên ra trường không có việc làm mà còn gánh một đống nợ vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình đi học. “Trước đây, để đầu tư cho một sinh viên đi học, mỗi tháng gia đình chi từ 2,5 - 3 triệu đồng. Khoản tiền này nếu nhân với 4 năm ăn học lên đến 200 triệu đồng. Trong số đó, có một khoản không nhỏ vay từ nguồn vốn hỗ trợ học sinh sinh viên. Nhiều em ra trường đã lâu nhưng không thể kiếm được công việc để trả nợ” - ông Cương nói.
Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa hàng năm đều giao chỉ tiêu phân luồng đào tạo cho Sở GDĐT là 70% vào THPT, 30% vào các trường nghề, bổ túc... nhưng năm 2012, tỷ lệ vào THPT vẫn trên 80%. Điển hình như Trường THCS Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) đến năm 2013 tỷ lệ phân luồng học sinh vẫn là 82,8% vào THPT.
Phân luồng sớm: Hiệu quả kinh tế cao hơn!Không chỉ Thanh Hóa, từ nhiều năm nay số học sinh vào THPT của cả nước năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm học 2001 - 2002 tỷ lệ này là 89,84% thì năm 2010 - 2011 đã là 98,79%. Năm học 2012 - 2013, sau rất nhiều nỗ lực siết chặt, thi cử, tỷ lệ này đã giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức 97,5%. Đây là một sức ép không nhỏ đến kỳ thi ĐH, CĐ hàng năm.
Bộ GDĐT cũng thừa nhận để làm tốt mục tiêu phân luồng cần ít nhất 5 yếu tố: Chương trình hướng nghiệp được triển khai tốt, cơ sở vật chất cho khối trường nghề phải được nâng cao; sự thống nhất quản lý nhà nước, thị trường lao động ổn định và phụ huynh học sinh ủng hộ.
|
Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho biết, mỗi năm số chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ chỉ chiếm 70% số học sinh tốt nghiệp THPT, nếu cộng cả số đã tốt nghiệp nhưng trượt ĐH, CĐ và con số trượt tốt nghiệp thì hàng năm có khoảng 400.000 học sinh... không biết đi đâu về đâu. “Nếu những học sinh này được giáo dục nghề nghiệp từ sớm thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều” - ông Nghệ nói.
Theo đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục, tới đây, việc phân luồng học sinh sẽ được thực hiện ngay sau cấp THCS (từ lớp 9). Cụ thể, hệ thống trường THPT sẽ gồm các trường THPT cơ bản dành cho những người muốn đi thi ĐH, còn lại là các trường TCCN, trung học nghề dành cho những em tự thấy mình không đủ khả năng học ĐH hoặc muốn đi làm sớm. Ngoài ra, nội dung giáo dục cũng được thiết kế phân hóa dần ở các lớp học trên. Theo đó, số môn học bắt buộc sẽ giảm đi và tăng nội dung các môn học tự chọn. Các trường THCN và trung học nghề cũng có thể chủ động lựa chọn các nghề ở địa phương vào giảng dạy, chủ động cùng các doanh nghiệp, nhà máy... trên địa bàn để liên kết dạy nghề nhằm đạt hiệu quả thực nhất.
Về phía nhà trường thì cần làm tốt công tác hướng nghiệp và vận động phụ huynh cùng tham gia. Theo một số hiệu trưởng trường THPT, điều quan trọng nhất là cần sự hợp tác của phụ huynh, làm cho họ hiểu kết quả của đào tạo - là việc làm, mới là quan trọng nhất, chứ không phải là học ở đâu cho “oai” cho “oách”…
Ông Lê Văn Cương Sở GDĐT Thanh Hóa: “Vẫn có một bộ phận nhỏ các trường THPT không muốn phân luồng, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến bộ máy hoạt động của nhà trường: Thừa giáo viên, lãng phí hệ thống cơ sở vật chất...”.
Ông Nguyễn Văn Phương – Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Thanh (Hoằng Hóa): “Việc phân luồng hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của phụ huynh và học sinh. Thay đổi họ không hề dễ. Hầu hết gia đình vẫn có tâm lý cứ cho con đi thi ĐH, đậu thì học, không đậu thì thôi”.
|