Dân Việt

Về lại buôn “tổng thống” tự phong

Ngọc Tấn 23/10/2013 06:48 GMT+7
Dường như không ai ở xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, Gia Lai) còn muốn nhắc lại câu chuyện của một thời quá vãng. Họ chỉ nói và chỉ cười khi nhắc đến những mùa bắp lai ấm no...
Câu chuyện với người “sống qua 3 chế độ”

Cụ Ksor Man pha trà mời tôi và Trưởng thôn Ksor Khôn trước hàng hiên rộng… Vốn là một sĩ quan pháo binh được Pháp đào tạo, trải đời lính trận hết chế độ Mỹ - ngụy và bây giờ là thành viên MTTQ Việt Nam tỉnh, con người của “3 chế độ” này thường được các cán bộ xuống xã công tác và cả cánh nhà báo tìm đến bởi ông là người biết nhiều, thẳng thắn và trung thực…

Tôi đưa mắt nhìn quanh. Căn nhà ông từ 2001 đến nay vẫn định dạng một hình mẫu của kiến trúc nhà sàn vùng A Yun Pa. Mươi năm trước nó có thể liệt vào hàng khá trong buôn, nhưng bây giờ may ra chỉ ở mức trung bình. Tôi đã thực sự ngỡ ngàng với những căn nhà sàn dài đến hai, ba chục thước; mái phủ tôn màu duyên dáng đến lạ giữa khu vườn xanh rợp bóng cây.

Trong khi ở nhiều buôn làng, việc “trệt hóa nhà sàn” với những chiếc hộp gạch ken sít bên nhau đang trở thành xu thế thì ở Broăi người ta vẫn rất thủy chung với nhà sàn. Cách trung tâm thị xã A Yun Pa chỉ hơn 2km nhưng tôi cảm giác Broăi vẫn hài hòa một cách tuyệt vời cái văn minh của cuộc sống hiện đại với hồn cốt của một ngôi làng Jrai truyền thống… Ai có thể nghĩ cuộc sống yên bình tưởng không thể lung lay được nền móng ấy lại có thể trở nên “điểm nóng” những năm 2001 – 2004?

Vợ chồng Ksor Nhớk  (phải) bày tỏ nỗi niềm với Trưởng thôn Ksor Khôn.
Vợ chồng Ksor Nhớk (phải) bày tỏ nỗi niềm với Trưởng thôn Ksor Khôn.

Với những kẻ dã tâm thì có điều gì lại không thể ngụy tạo – cụ Ksor Man cười mỉm khi nghe bộc bạch của tôi. Năm 2004 khi xảy ra “sự biến”, có 3 ông “Tây” đã đến đây để tìm hiểu “nhân quyền”. Tôi mới kể cho họ nghe toàn bộ cái “lịch sử” của buôn Broăi.

Thời Pháp, khỏi nói đến sự tăm tối. Sang thời Mỹ, suốt 17 năm trời Broăi là “ấp chiến lược, không ai có được một mái nhà tôn. Cho mãi đến gần giải phóng xảy ra hỏa hoạn, “quốc gia” mới phát cho mỗi nhà được mấy tấm ở tạm… Lòng dân hướng về ai, chỉ một thí dụ là mẹ vợ tôi kia. Trong sự cùm kẹp gắt gao, giọt nước tưởng cũng không lọt được ra ngoài, bà vẫn tiếp tế cho cách mạng…

Cụ Ksor Man nhớ lại: Sau giải phóng quả là cũng có một thời gian khá dài buôn Broăi chậm phát triển. Không có thủy lợi, ruộng mỗi năm 1 vụ với cây lúa rẫy; con sông Ba lại ngăn cách giao thương… Thấy rất rõ những nguyên nhân này, bắt đầu từ năm 2000 Nhà nước đã tập trung đầu tư cho các xã bên này sông. Nhưng mọi việc đang đà thì Ksor Kớk lợi dụng kích động gây sự biến…

Vì buôn Broăi là nơi sinh Kớk nên y muốn dựng nên một “điển hình”. Nhưng ngay như thời điểm nóng nhất là vụ biểu tình gây rối ngày 10.4.2004 thì cả buôn cũng chỉ 19 người tham gia, mà hầu hết là anh em, họ hàng nhà ông ta…

Thế nên tôi mới nói với họ: Trước khi đến đây chắc các ông đã nhìn thấy cả: Trường học đến tận buôn, điện đến từng nhà, đường bê tông vào tận ngõ, nước vào tận ruộng… Mà tất cả đều là do Nhà nước đầu tư làm cho. Như thế chưa đủ là “nhân quyền” sao? Cái trò gây rối mà ông Kớk bày đặt nhằm mưu lợi cho ai, dân chúng tôi bây giờ đã hiểu…

Và có lẽ bởi coi là trò riêng của nhà Kớk mà bây giờ dân buôn Broăi có vẻ chả còn muốn nhớ làm gì chuyện quá vãng. Như Ksor Khôn đây, nghe hỏi về sự biến ấy cũng lắc đầu, rằng chỉ rõ chuyện từ khi mình làm trưởng thôn thôi… Sau mọi tiền đề hạ tầng được Nhà nước đầu tư hoàn thành, từ năm 2005 trở lại đây Broăi trở thành buôn chuyển biến nhanh nhất. Trong số 300ha lúa nước 2 vụ của xã, Broăi có 60ha.

Tuy nhiên điều làm thay đổi cuộc sống dân buôn phải kể là bắp lai và cây thuốc lá. “Vua thuốc lá” của buôn được Ksor Khôn kể là già làng Kpah Thung và Kpah Xin. Hai vị này mỗi người làm 3 – 4ha. Không kể lúa nước và các khoản khác, chỉ riêng thuốc lá mỗi vụ cũng đã thu xấp xỉ 300 triệu đồng. Những nhân tố tiên phong này đang nhân lên một phong trào thay đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập… Hiện Broăi là buôn có đời sống khá nhất xã với 120/186 hộ xếp mức trung bình khá trở lên…

Nỗi lòng người em “tổng thống” tự phong

Căn nhà bà Ksor HBlé - mẹ đẻ Ksor Kớk ở buôn Broăi hoang lạnh. Bà đã chết tháng 8.2011, thọ hơn 90 tuổi. Ksor Khôn kể rằng đám tang bà người đi dự khá đông, chẳng ai muốn nhớ chuyện bà đã từng tham gia biểu tình gây rối, trốn hầm bí mật để vượt biên. Nghĩa tử là nghĩa tận… Bốn đứa con bà, Nir đã vượt biên sang Mỹ với Ksor Kơk năm 2008; Krớk cải tạo về sang ở buôn Tun, chỉ còn Ksor Nhơk ở lại buôn Broăi này…

Năm 2000, Ksor Kớk đã cùng một số nhân vật lưu vong thành lập và ra mắt tại Mỹ cái gọi là Nhà nước Đề Ga tự trị và tự phong mình là tổng thống, với mục đích chính là tạo cớ thu hút sự ủng hộ về mặt tài chính của các tổ chức phản động khác. Tháng 2.2001, một số đồng bào dân tộc tại các địa phương vùng Tây Nguyên đã bị lôi kéo, xúi giục tập trung đến trụ sở chính quyền và gây rối... “Tổng thống” Ksor Kớk đã đứng phía sau những vụ gây rối đó.

Trong số 3 em của Ksor Kớk, Nhớk là người ít dính dáng nhất đến những trò của ông anh. “Hắn là người hiền lành, biết nghe lời phải trái” – cụ Ksor Man bảo thế…

Nhà Nhớk, một căn nhà sàn to rộng nằm bên con đường bê tông lớn chạy xuyên buôn. Nhớk cao to, lực lưỡng và trái với ý nghĩ của tôi, chuyện trò rất cởi mở. Vẻ dửng dưng, Nhơk kể về ông anh “tổng thống” của mình:

“Tiếng là em ruột nhưng tôi đã thấy ông ấy bao giờ đâu. Ông ấy xưng này xưng nọ thế nhưng cả đời đã cho tôi chút gì. Ngay cả tiền nuôi “bà già” cũng chẳng đủ, bắt con cháu bên này phải góp thêm… Hôm vợ tôi bị ung thư phải đi thành phố chữa, lần duy nhất tôi ngỏ ý xin tiền nhưng ông ấy cũng im, chỉ có thằng Nir gửi cho được 200 “đô”.

Hỏi chuyện Nir vượt biên sang bên đó cuộc sống thế nào, Nhớk cười khẩy: “Đang rối bem vì 3 thằng con trai hư. Ở bên này chúng nó đã lêu lổng, không chịu học hành, giờ sang đó không có việc làm, suốt ngày uống rượu quậy phá. Hồi ở buôn, cuộc sống của Nir khá hơn tôi nhiều, vậy mà nghĩ rằng sang Mỹ hốt được tiền thiên hạ, nó đã bán hết để trốn đi…”.

“Hỏi thật, chắc là ông anh cũng đã có ý bảo lãnh cho Nhớk sang bên đó?” – “Tôi có đến 7 đứa con. 3 thằng đã lấy vợ yên ổn rồi. Nhà có 1ha đất trồng bắp lai, hơn 1 ha lúa nước 2 vụ sống cũng đủ. Ở đâu kia còn nửa tin nửa ngờ, chuyện chính anh em tôi đó, chẳng lẽ còn mơ?”.

... Xuống đến chân cầu thang chợt nhớ, tôi hỏi Nhớk: “Krớk đi cải tạo về rồi, dạo này làm ăn thế nào?”. “Cũng được, ngang mức trung bình”. Vẫn còn nhớ năm 2004, tôi gặp HNguôn - con gái cả ông ta ở nhà bà nội. HNguôn khá xinh, ăn mặc mốt như một cô gái phố.

Giọng buồn buồn, cô kể: “Nhà em đất bãi, đất ruộng nước có hơn 2ha; máy cày, máy bơm nước, vật dụng trong nhà đủ cả. Thế rồi cha em nghe lời bác Kớk bán tất, kéo cả nhà đi vượt biên… Làm lại từ đầu có được thế?”.

Nhớk nói thêm: “Con HNguôn giờ lấy chồng rồi, làm ăn cũng được. Dạo trước bọn thanh niên ngại chuyện ông Kớk, khiến nó mãi 28 tuổi mới bắt được chồng… Lo xa thế chứ ai phân biệt gì đâu. Việc ai làm, người ấy chịu, phải không? Tôi vẫn bảo các con tôi thế đấy…” - Ksor Nhớk cười vang. Tiếng cười nghe lấp lánh niềm tin rất thật.