Dân Việt

Xây dựng NTM ở miền núi phía Bắc: Không ép thời gian để lấy thành tích

TS. Hoàng Xuân Lương 09/12/2013 10:48 GMT+7
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều vướng mắc.
Khó đảm bảo tiến độ

Tại khu vực miền núi phía Bắc có 15 tỉnh, chiếm 30,6% dân số cả nước với hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Đến nay toàn vùng đã có 80% số xã hoàn thành quy hoạch chung, khoảng 30% hoàn thành các quy hoạch chi tiết, đạt trung bình 6,3/19 tiêu chí (trung bình cả nước đạt 8/19 tiêu chí)...

Hiện đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã (HTX) làm ăn có lãi như HTX 19-5 ở Hòa Bình, HTX Vĩnh Lại ở Phú Thọ, HTX Tân Cương ở Thái Nguyên, HTX Tiến Bình ở Bắc Giang… cùng nhiều mô hình hộ gia đình đồng bào DTTS làm ăn kinh tế ổn định, thoát nghèo bền vững.

Do đặc điểm địa hình, việc làm đường giao thông nông thôn ở miền núi gặp nhiều khó khăn.
Do đặc điểm địa hình, việc làm đường giao thông nông thôn ở miền núi gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong chương trình mục tiêu xây dựng NTM có ghi rõ, phấn đấu đến 2015 xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát, 100% đường giao thông nhựa hóa đến trung tâm xã, 50% giao thông thôn bản được cứng hóa; 80% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh... Mục tiêu này với các địa phương miền núi phía Bắc thật khó đảm bảo thời gian. Bởi trong số 119 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm xã của cả nước thì ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã có 95 xã, chiếm 80%; tỷ lệ hộ nghèo là 24%, cao gấp 2,5 lần tỷ lệ hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân đầu người là 10,8 triệu đồng, thấp hơn 2,3 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước...

Nhiều tiêu chí khó

Trong thực tiễn xây dựng NTM ở miền núi phía Bắc đã xuất hiện một số bất cập. Trước hết là về các tiêu chí, nếu áp dụng ở vùng DTTS, miền núi sẽ rất khó thực hiện như: Trong tiêu chí về giao thông quy định đường thôn bản phải có nền đường 5m, mặt đường 3-3,5m; đường ngõ xóm nền đường 3m, mặt đường 2m, tuy nhiên ở vùng sâu vùng xa dân cư thưa thớt, có nhiều nơi 1km2 chỉ có 20 hộ, nên người dân không thể nào đủ sức đóng góp làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí đã quy định.

Để đảm bảo xây dựng NTM ở vùng dân tộc, miền núi theo kịp đà phát triển của đất nước cũng không nên xem xét hạ tiêu chí, và điều quan trọng nhất là không nên chạy theo thành tích để dồn ép về mặt thời gian, mà phải phấn đấu thực chất.

Còn về tiêu chí văn hóa, quy định khu thể thao phải 1.500m2, khu nhà văn hóa 300m2 thì điều này ở các thôn bản vùng cao không thể đạt được. Về thu nhập, tiêu chí quy định năm 2013 phải đạt bình quân 18 triệu đồng/người, nhưng hiện tại ở các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ đạt 10,8 triệu đồng/người...

Để các tỉnh miền núi phía Bắc hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM, Chính phủ nên ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kết cấu hạt tầng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% trục giao thông xã, 80% trục giao thông thôn bản, hoàn chỉnh hệt thống thủy lợi, nước sạch, trường học, nhà văn hóa; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lên vùng dân tộc, miền núi; tập trung cao độ cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS…