Dân Việt

Tội phạm băng nhóm nóng trở lại

Lương Kết 29/10/2013 10:56 GMT+7
Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong năm 2013 tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ án mới khởi tố tăng hơn so với cùng kỳ.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trên các mặt của đời sống kinh tế -xã hội. Còn Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chưa có phân tích đánh giá toàn diện nguyên nhân của tình hình gia tăng tội phạm...

Tội phạm băng nhóm nóng trở lại

Sáng 28.10, Quốc hội họp phiên toàn thể để nghe báo cáo của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao, TAND Tối cao về công tác phòng chống tội phạm và kết quả thực hiện Nghị quyết 37/2012 của Quốc hội về công tác tư pháp.

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong năm 2013 tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ án mới khởi tố tăng hơn so với cùng kỳ. Tội phạm tham nhũng gia tăng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Đặc biệt hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tính chất xã hội đen diễn biến phức tạp trở lại. Nhiều vụ phạm tội xuất phát từ đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời báo chí về tiến độ xử lý các vụ án lớn.     TTXVN
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời báo chí về tiến độ xử lý các vụ án lớn. TTXVN

Các vụ tranh chấp dân sự, vụ án hành chính cũng tăng gây bức xúc cho người dân và kéo theo hệ lụy phức tạp về trật tự xã hội. Đặc biệt xuất hiện tình trạng những đối tượng cho vay nặng lãi chuyên nghiệp, lợi dụng hợp đồng vay tài sản để chiếm đoạt tài sản của người dân...

Về mặt hạn chế, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, kết quả phát hiện tội phạm chưa tương xứng với thực tế, tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng còn chậm, chất lượng chưa cao, còn để xảy ra vi phạm tố tụng.

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng cần phải nhấn mạnh vào các nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm như: Một bộ phận cán bộ có chức quyền trong cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở có dấu hiệu “bảo kê” để các doanh nghiệp, băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên, khoáng sản, vận chuyển hành khách… “Nhiều vụ việc ngang nhiên tồn tại nhưng các cơ quan chức năng ở một số địa phương không xử lý được” – ông Hiện nhấn mạnh.

6 vụ đại án sắp được xét xử


Thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã nêu những vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế. Vụ Nguyễn Đức Kiên với 8 bị can, vụ Dương Chí Dũng 9 bị can, vụ Dương Tự Trọng 7 bị can, vụ Huỳnh Thị Huyền Như 23 bị can… “Các ngành tư pháp T.Ư đã thống nhất đưa các vụ án trên ra xét xử trong quý IV/2013”- Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết.

Thêm 174 người bị kết án tử hình
Theo báo cáo công tác thi hành án của Chính phủ, tính đến hết ngày 30.9.2013, có 684 người bị kết án tử hình, tăng 174 người so với tháng 9. 2012. Tính đến tháng 10.2013, đã có 3 trường hợp tử hình được thực hiện bằng việc tiêm thuốc độc, ở Hà Nội, Hải Phòng và Sơn La.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin thêm, có 6 vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất hồ sơ chuyển Viện KSND. Trong đó, có 4 vụ Viện KSND đã ra cáo trạng truy tố là vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, Vũ Quốc Hảo – Công ty Cho thuê tài chính II, Huỳnh Thị Huyền Như – lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng, Nguyễn Thị Thanh Huyền – tham ô tài sản tại Công ty Vifon (2 vụ Dương Chí Dũng tham ô tài sản ở Vinalines và “bầu” Kiên ở Ngân hàng ACB đang ra cáo trạng).

Có 3 vụ sẽ truy tố ra trước TAND TP.Hà Nội để xét xử sơ thẩm và Viện KSND Tối cao ủy quyền cho Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố. 3 vụ truy tố ra trước TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và Viện KSND TP.HCM sẽ được ủy quyền thực hành quyền công tố tại tòa. “Ngoài 6 vụ án nêu trên, thì Viện KSND Tối cao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng còn lại, đảm bảo xử lý đúng thời hạn và nghiêm minh” – ông Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Trả lời báo chí về việc các đại án chậm được đưa ra xét xử, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình trần tình: Ngoài khó khăn chung của yêu cầu chứng minh các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn thì đối tượng có chức vụ và vụ án cũng lớn, yêu cầu chứng minh nhiều. Hơn nữa, nhiều vụ có yếu tố nước ngoài, phải có tương trợ tư pháp đối với cơ quan thi hành tố tụng ở nước ngoài. Thế nhưng hưởng ứng của các cơ quan tố tụng ở nước ngoài cũng có nước tốt, nước không.