Dân Việt

Làm nông ở thành phố: Ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao

07/01/2011 15:40 GMT+7
(Dân Việt) - Trong 7 giải pháp thực hiện Đề án Nông nghiệp đô thị ở TP.HCM, giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ được ưu tiên hàng đầu.
img
Giám đốc khu NNCNC Củ Chi, ông Nguyễn Văn Hết (phải) giới thiệu phương pháp trồng rau trên giá.

Trong tương lai gần, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), trong đó có khu NNCNC ở Củ Chi.

Đầu mối chuyển giao công nghệ tiên tiến

Ông Nguyễn Văn Hết - Giám đốc khu NNCNC Củ Chi cho biết, ngay sau khi được thành phố phê duyệt xây dựng khu NNCNC trên diện tích 88ha tại xã Phạm Văn Cội (Củ Chi), sau 2 năm xây dựng hạ tầng với tổng vốn đầu tư 152 tỷ đồng từ ngân sách thành phố (chưa kể 340 tỷ đồng của các doanh nghiệp), ngày 22-4-2010 khu NNCNC khánh thành và chính thức đi vào hoạt động.

Đến năm 2020 và 2025, khu NNCNC tập trung nghiên cứu, sản xuất rau sạch, hoa lan, cây, cá cảnh; các loại nấm (thực phẩm và dược liệu), nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất cây trồng để chuyển giao cho dân.

Theo Đề án phát triển NNĐT trên địa bàn TP.HCM

Đến nay, cơ bản các nhà đầu tư đã đăng ký 88ha, với 11 doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây, con giống chất lượng cao cung cấp cho ND trong nước và xuất khẩu, thực hiện các mô hình trình diễn. Riêng Công ty cổ phần Phát triển nhiệt đới thuê 20ha chuyên sản xuất hạt giống rau màu cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Hết cho biết, sắp tới khu NNCNC sẽ mở rộng diện tích lên 150ha.

Theo ông Hết, thông qua các mô hình nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả, khu NNCNC sẽ là đầu mối chuyển nền nông nghiệp từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm của nền nông nghiệp đô thị; là điểm cho ND ở TP.HCM và các địa phương trong nước đến tham quan, học tập. Đến hết năm 2010, khu NNCNC đã chuyển giao 10.000 cây lan giống cho ND.

Hình thành doanh nghiệp NNCNC

Tuy mới đi vào hoạt động, các nhà khoa học ở khu NNCNC đã nghiên cứu và trình diễn thành công nhiều mô hình mẫu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đó là mô hình trồng rau trong hệ thống nhà lưới. Toàn bộ quy trình tưới, tiêu, bón phân được áp dụng hệ thống nhỏ giọt từ bồn dinh dưỡng cố định nhằm tiết kiệm nước và phân bón.

Rau được trồng trên giá thể nhằm tiết kiệm diện tích, rất thích hợp cho cư dân nội đô áp dụng nếu biết tận dụng sân thượng, ban công, sân nhà… để trồng rau sạch dùng trong gia đình. Với kỹ thuật này một số loại rau màu như cải, ớt… sau 25- 35 ngày cho thu hoạch, rau muống sau 20 ngày có thể thu hoạch lứa đầu.

"Chúng tôi chuẩn bị đưa giống dưa leo, dưa lê vào sản xuất để chuyển giao cho bà con nội đô thực hiện; nấm đang trong giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm" - thạc sĩ Nguyễn Chí Dũng thông tin. Đặc biệt, hoa lan được ưu tiên, khuyến khích. Các nhà khoa học đã đưa nhiều giống lan như Hồ điệp, Mokara, Barana… vào nhân giống theo phương pháp cấy mô nhằm tạo ra số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của ND TP.HCM và nhiều địa phương trong nước.

Cùng với rau sạch, hoa lan và cá cảnh với nhiều chủng loại, xuất xứ từ nhiều nước khác nhau được các kỹ sư nuôi trồng thủy sản và nghệ nhân nuôi dưỡng, tạo giống để sớm cung ứng cho nghề nuôi cá cảnh xuất khẩu của thành phố.

Không chỉ bó hẹp trong nghiên cứu, thực nghiệm, khu NNCNC còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân có các kết quả nghiên cứu KHCN, có ý tưởng KHCN trong nông nghiệp và có dự án kinh doanh khả thi vào đầu tư nhằm phát triển thành các doanh nghiệp NNCNC.