Sử dụng hiệu quả nguồn vốn
Theo Bộ NNPTNT, 6 tháng đầu năm 2013, các địa phương đã chấp hành tương đối tốt chỉ đạo của T.Ư trong việc phân bổ vốn cho các dự án thành phần của chương trình, cụ thể dự án 1 về cấp nước sạch nông thôn là 1.095 tỷ đồng chiếm 89%; dự án 2 về vệ sinh nông thôn là 63,8 tỷ đồng chiếm 5% và dự án 3 về nâng cao năng lực, truyền thông là 71 tỷ đồng chiếm 6%. Các địa phương đã triển khai thực hiện xây dựng 318 công trình cấp nước và vệ sinh trong trường học, 126 trạm y tế, 721 công trình cấp nước tập trung, trong đó 217 công trình hoàn thành, 143 công trình chuyển tiếp, 86 công trình nâng cấp, sửa chữa, 154 công trình khởi công mới, 121 công trình chuẩn bị đầu tư...
Người dân xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã có nước hợp vệ sinh.
Đặc biệt, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành về kết quả Bộ chỉ số giám sát, đánh giá cho thấy đến hết năm 2012, tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81,1%; tỷ lệ sử dụng nước đạt QC 02 của Bộ Y tế đạt 38,6% và tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 56,8%. Bà Hạ Thanh Hằng - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT nhấn mạnh: “Với sự nỗ lực của các địa phương, sự chủ đạo của các bộ, ngành, đoàn thể ở T.Ư, sự hỗ trợ có hiệu quả của các nhà tài trợ quốc tế, khối lượng thực hiện trong 6 tháng đầu năm của chương trình đạt 47% so với kế hoạch vốn được giao”.
Cần nỗ lực hơnThực tế, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, mặc dù thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng vẫn còn một số tồn tại, thách thức. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chương trình, một số tỉnh chưa thành lập Ban Điều hành chương trình của tỉnh như Nghệ An, Quảng Ngãi… hoặc có địa phương tuy có thành lập Ban Điều hành nhưng chưa có quy chế hoạt động, chưa có cơ quan giúp việc nên sự phối hợp của các sở, ban, ngành chưa chặt chẽ, thiếu chế tài xử lý. Bên cạnh đó, việc quản lý, bảo dưỡng, khai thác các công trình sau đầu tư chưa được quan tâm đúng mức về cả kỹ thuật và đảm bảo tài chính dẫn đến tình trạng khai thác không hết năng lực của công trình.
Theo kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình trong những tháng cuối năm 2013 là ban hành khung hoạt động về thông tin- giáo dục- truyền thông giai đoạn 2013- 2015.
|
Đặc biệt, một số mô hình thí điểm có giá thành đắt, công nghệ không phù hợp với điều kiện của người dân nông thôn nhất là vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc miền núi, nên thiếu tính nhân rộng, chẳng hạn như Sở Y tế Thanh Hóa xây dựng mô hình 1 nhà vệ sinh hộ gia đình có giá tới 15 triệu, ở Phú Thọ có giá là 12 triệu…
Ban Chỉ đạo chương trình cũng nhấn mạnh rằng, kết quả thực hiện mục tiêu vệ sinh tuy đã được cải thiện nhưng còn rất nặng nề, vì thế cần có sự quan tâm và nỗ lực nhiều hơn nữa ở một số địa phương, nhất là ở vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… thì mới đạt được mục tiêu của chương trình đã được Chính phủ phê duyệt.