Cha mẹ để thuốc vung vãi, con tưởng kẹo lấy ăn; hận người yêu, vơ đại ít thuốc uống để dọa… Dù chỉ vô tình hay hữu ý dọa, nhưng việc mang thuốc ra làm “trò đùa” đã để lại những hậu quả nặng nề, từ mất mạng đến di chứng nặng nề.
Dọa vờ, mất mạng thậtTS Phạm Duệ- Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, có nhiều trường hợp tự tử bằng thuốc, sau đó lại hối hận, cầu xin bác sĩ cứu sống. Nhưng tất cả đã quá muộn. Trường hợp khiến bác sĩ Duệ nhớ mãi là một cô gái hoa khôi của một trường Đại học ở Hà Nội.
Cô rất xinh đẹp, cao ráo. Tuy nhiên, cô gái đã cặp kè với một người đàn ông luống tuổi. Không rõ vì giận dỗi gì, cô gái đã uống hết cả mấy lọ chữa bệnh gout của người yêu.
Ảnh minh họa từ internet
Đây là thuốc ức chế tủy xương, gây chảy máu trong, đồng thời làm giảm tế bào máu, khiến máu bị cạn kiệt, đồng thời gây xuất huyết khắp nội tạng. Ngay sau khi uống thuốc, cô gái đã rất hối hận, sợ hãi và yêu cầu người nhà đưa đi viện cấp cứu. Cô đã khóc, cầu xin bác sĩ cứu sống mình. Tuy nhiên, mọi sự ân hận đã quá muộn màng. Các bác sĩ đã không thể cứu được cô gái. Còn cô gái đã tỉnh táo đến lúc chết, chỉ có cơ thể cứ kiệt máu dần dần… “Nhìn cô gái trẻ trung, phơi phới tương lai từ hoảng loạn đến tê dại chờ đợi cái chết đến với mình, tôi thực sự cảm thấy đau lòng. Giá như cô ấy sớm hiểu được hậu quả của việc mình làm” – TS Duệ chia sẻ.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp trẻ em ngộ độc thuốc do cha mẹ sơ ý, để thuốc vương vãi. Có bé trai 4 tuổi (Bắc Giang) phải cấp cứu vì uống hết cả mớ thuốc xanh đỏ của ông nội. Mẹ bé cho biết, ông nội đi khám cao huyết áp nên được phát cho 3-4 loại thuốc. Ông chưa kịp cất mà để lên bàn rồi để quên. Em bé đã mở ra “tỉ tê” uống hết, sau đó bị nôn ói, li bì, gia đình vội vã mang cháu đi cấp cứu.
“Cũng là lỗi tại tôi, khi cháu bị ốm, tôi thường khí cháu là uống thuốc sẽ khỏe như siêu nhân, nên cháu rất hồ hởi khi uống thuốc. Thậm chí hơi đắng cháu cũng không ngại” – mẹ bé hối hận.
Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) mới đây cũng liên tục nhận được các ca cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc xoa bóp do cha mẹ, ông bà để vào các chai Lavi, C2. Tưởng là nước ngọt nên trẻ đã tu một hơi và bị ngộ độc.
Đừng đùa với thuốcTS Duệ cho biết, Trung tâm chống độc thường xuyên nhận được những ca ngộ độc thuốc rất đáng tiếc. Đến 60% các ca ngộ độc là do người bệnh “chủ động” uống thuốc vì muốn tìm đến cái chết, với những nguyên nhân rất”giời ơi đất hỡi”: thất, vợ chồng cãi nhau, thi trượt, bị bố mẹ mắng, có thai ngoài ý muốn nhưng bạn trai lại “quất ngựa truy phong”… Hầu hết mọi người thường tự làm hại mình bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc ngủ.
Lại có người uống tất cả các loại thuốc trong tủ thuốc của mình như thuốc chống co giật, thuốc an thần… chỉ để dọa vì mẹ dám bênh chị, mắng mình. Rất nhiều trường hợp khi tỉnh lại đã rất đau đớn, hối hận. Tuy các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng không ít trường hợp không thể cứu được. Đáng lưu ý nhất là các ca ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật. Đây là chất độc có sức tàn phá cơ thể rất khủng khiếp, khiến bệnh nhân suy gan thận, suy tim và tử vong đến 70-80%.
Mạng người là vô cùng quan trọng, chuyện giận nhau có thể giải quyết bằng nhiều cách. Nhưng nếu uống thuốc để tự tử thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn, thậm chí, người bệnh không còn cơ hội để sửa chữa lỗi lầm hoặc hàn gắn những tình cảm bị rạn vỡ. “Thuốc dùng để cứu người, chữa bệnh nhưng nếu uống sai, uống nhầm, thì hậu quả sẽ khôn lường” – TS Duệ nhấm mạnh.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp trẻ nhỏ ngộ độc rất đáng tiếc vì lỗi của cha mẹ. Để khí dỗ trẻ uống thuốc, nhiều cha mẹ đã bảo con “thuốc là kẹo”, “thuốc là thần dược”, có khả năng biến bé thành anh hùng, siêu nhân. Trẻ em đã bị lừa nên cứ thấy thuốc là uống. Đặc biệt, có một số loại thuốc siro như thuốc ho, thuốc an thần… có vị ngọt nên trẻ em rất thích uống. Thậm chí, có trẻ còn bị ngộ độc cả thuốc tránh thai, thuốc điều hòa kinh nguyệt của mẹ.
“Khi bảo quản thuốc, cha mẹ đặc biệt phải lưu ý không được để trong tầm
tay với của trẻ. Các chai thuốc cần phải được đóng nắp kỹ và để nơi cao.
Cũng tránh dỗ trẻ uống thuốc bằng cách nói thuốc là kẹo, là “thần
dược”, khiến con hiểu lầm” – TS Phạm Duệ.
|