Theo dự kiến, cuối tháng 12.2013, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài đối với Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng; em trai của Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình).
Giúp anh trai đào tẩu
Ngoài Dương Tự Trọng, còn có 6 bị can bị truy tố, gồm: Vũ Tiến Sơn và Nguyễn Trọng Ánh (nguyên phó phòng và cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng), Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hải Phòng), Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”), Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng) và Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng).
Theo cáo trạng, ngày 17.5.2012, khi biết Dương Chí Dũng sắp bị khởi tố tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Dương Tự Trọng đã liên lạc với Vũ Tiến Sơn và Hoàng Văn Thắng để tìm cách đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. Sau đó, Dương Chí Dũng được đưa xuống Quảng Ninh nhằm trốn sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi, Vũ Tiến Sơn liên lạc với Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng đưa Dương Chí Dũng vào TP HCM để sang Campuchia vào tối 23.5.2012. Sau đó, Đồng Xuân Phong cùng Dương Chí Dũng sang Singapore để Dương Chí Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Do có lệnh truy nã quốc tế, Dương Chí Dũng không thể nhập cảnh Mỹ nên tiếp tục lẩn trốn tại Campuchia.
Trong thời gian này, Dương Chí Dũng được các đối tượng chuyển 24.000 USD để chi tiêu. Ngày 4.9.2012, Dương Chí Dũng bị bắt giữ. Từ lời khai của Dương Chí Dũng và các chứng cứ thu thập được, CQĐT đã khám phá ra đường dây tổ chức cho đối tượng này trốn ra nước ngoài.
Theo cáo trạng, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, trong đó Dương Tự Trọng có vai trò chủ mưu, Vũ Tiến Sơn là người tổ chức thực hiện.
Gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng
Ngày 15.12, VKSND Tối cao đã có cáo trạng vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và một số đơn vị khác ở Hà Nội, TP HCM.
Cáo trạng nêu rõ Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB từ năm 2003 đến tháng 8.2012, Phó Chủ tịch HĐQT ACB từ năm 1994-2008. Năm 2007, bầu Kiên đề nghị HĐQT lập hội đồng sáng lập ACB và làm phó chủ tịch. Dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh này và là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ngân hàng này.
Ngoài ra, bầu Kiên còn thành lập, đồng thời là chủ tịch HĐQT/hội đồng thành viên của 6 công ty, gồm: Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (B&B), Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG), Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty CP Đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN).
Theo cáo trạng, từ ngày 15.5.2007 đến 3.8.2012, bầu Kiên đã thông qua 6 công ty trên để tổ chức hoạt động không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh; lợi dụng các công ty này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và vàng với số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng.
Ngoài việc kinh doanh tài chính trái phép, Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đã lừa đảo chiếm đoạt của Công ty CP Hòa Phát 264 tỉ đồng; lợi dụng chủ trương miễn thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm 2009 bằng cách chuyển lợi nhuận từ công ty sang cho cá nhân để trốn thuế hơn 25 tỉ đồng.
Lừa đảo để trả nợ vay lãi cao
TAND TP HCM vừa tống đạt quyết định đưa vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) cùng đồng phạm ra xét xử. Phiên tòa dự kiến sẽ được mở từ ngày 6 đến 25.1.2014. Ông Nguyễn Đức Sáu - thẩm phán, Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM - là chủ tọa phiên tòa.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007, bị can Huyền Như (lúc đó là cán bộ tín dụng của VietinBank Chi nhánh TP HCM) đã vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản.
Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, Huyền Như mất khả năng thanh toán. Lúc này, Huyền Như đang là quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỉ đồng/lệnh.
Để có tiền trả nợ, từ tháng 10.2010 đến tháng 9.2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM, Huyền Như đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận cộng lãi suất thưởng từ 18%-36%/năm. Để thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người làm giả con dấu, tài liệu ngân hàng và nhiều đơn vị, chữ ký trên các chứng từ và hợp đồng… để chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân với hơn 4.911 tỉ đồng. Số tiền này được Huyền Như dùng để trả vay lãi nặng, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, nợ gốc, nợ lãi trong hợp đồng...
Hàng loạt trưởng, phó phòng hầu tòa Trong 23 bị can bị VKSND Tối cao truy tố ra tòa, ngoài Huyền Như, còn có 12 người nguyên là trưởng phòng, phó trưởng phòng, giao dịch viên của nhiều phòng giao dịch VietinBank. Họ bị truy tố các tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Liên quan trong vụ án, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cũng đã quyết định khởi tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo ACB về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng được tách ra, xử lý trong vụ án Nguyễn Đức Kiên. |