Dân Việt

Ngư dân Nghệ An vẫn chủ quan: Có gió mùa đông bắc nên bão sẽ không đến...

Tiến Dũng- Việt Tùng 10/11/2013 13:47 GMT+7
Sáng 10.10, tại vùng biển Diễn Châu mưa nặng hạt, gió cấp 5- cấp 6, biển động dữ dội, nhưng người dân ở vùng ven biển vẫn chủ quan, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường như không hề có cơn bão đến.
Người dân vẫn chủ quan

Sáng 10.10, tại vùng biển Diễn Châu mưa nặng hạt, gió cấp 5- cấp 6, biển động dữ dội, nhưng người dân ở vùng ven biển vẫn chủ quan, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường như không hề có cơn bão đến. Thi thoảng mới thấy một vài hộ gia đình, chặt cây, và lấy bao cát đè lên mái tôn để chống bão.

Nhiều ngư dân cho rằng: Với kinh nghiệm đi biển thì thời điểm hiện nay có gió mùa đông bắc nên bão sẽ không đến.

Người dân vùng Biển Diễn Thành di dời tránh bão.
Người dân vùng biển Diễn Thành di dời tránh bão.

Mặc dù đã có lệnh di dời trước 18h ngày 9.11, nhưng sáng 10.11 nhiều người người dân vùng biển du lịch Diễn Thành, Diễn Hải vẫn còn chưa di dời hết, buộc lực lượng chức năng phải đến tận nơi đốc thúc, di dời dân đi tránh bão.

Không chỉ người dân ven biển Diễn Châu mà theo quan sát của phóng viên thì phần lớn người dân các huyện thị ở Nghệ An vẫn còn chủ quan với cơn bão này, mặc dầu họ đã xem thời sự và biết được hậu quả thảm khốc của cơn bão Hải Yến khi nó đi qua.

Tại Nghệ An, qua hơn một ngày triển khai các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chủ động đối phó với bão, vẫn còn tình trạng người dân ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng chủ quan, chưa thực sự quyết liệt, vì vậy vẫn còn một số tàu thuyền chưa về hết; sơ tán di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm chưa thực hiện triệt để; cây cối chưa được chặt tỉa cành một cách an toàn... Đây đang là những nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an toàn trong phòng chống bão.

Quyết liệt di dời dân khỏi vùng nguy hiểm

Từ chiều 9.11, Ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, kiêm Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương tổ chức di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm của bão HaiYan và cho phép cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời tránh bão.
img
Lực lượng chức năng Diễn Châu đốc thúc dân tránh bão
Lực lượng chức năng Diễn Châu đốc thúc dân tránh bão

Tại huyện Diễn Châu, với sự huy động tổng lực cả hệ thống chính trị xuống địa bàn, tính đến 12 h trưa nay (10.11) đã hoàn chỉnh công tác di dời dân.

Bà Hoàng Thị Hương- Phó chủ tịch huyện Diễn Châu cho biết:

Từ chiều 9- 10.11, huyện đã di dời trên 1.335 khẩu vùng biển Diễn Thành, Diễn Ngọc, Diễn Vạn, Diễn Hải, Diễn Hùng... đến nơi an toàn. Huyện đưa ra 2 mức di dời dân khẩn cấp trước bão. Mức thứ nhất, nếu nước biển dâng cao từ 1 - 3 mét thì sẽ có khoảng 374 hộ với 1.335 khẩu ở ngoài đê biển của các xã Diễn Hải, Diễn Ngọc, Diễn Thành vào trú ẩn ở các công sở, trường học kiên cố. Mức thứ 2, nếu nước biển dâng cao hơn 3 mét, sẽ phải di dời khoảng 4000 hộ dân sát bờ biển đến khu vực cao hơn. Huyện Diễn Châu cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một cơ số mì tôm, nước sạch để cấp phát cho 5 xã phải sơ tán.”

Cùng ngày, tại thị xã biển Cừa Lò địa phương này đã đi dời 1.231 hộ dân với 4.296 nhân khẩu và dự kiến có thể đi dời trên 6.000 hộ ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tại huyện Quỳnh Lưu, Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết, từ ngày 9-10.11, huyện Quỳnh Lưu đã sơ tán hơn 4.290 hộ dân với 18.939 nhân khẩu vùng nguy hiểm ven biển và dưới chân hồ đập.

Tại huyện lúa Yên Thành, hiện chính quyền huyện đã di dời hơn 300 hộ dân ở dưới chân đập Đồn Húng, Đập Nhà trò đến nơi an toàn.

Theo báo cáo nhanh của Thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai, tính đến 10 giờ ngày 10.11 đã sơ tán được 14.329 hộ dân với 49.979 nhân khẩu.

Hiện UBND các huyện đang tích cực rà soát các phương án sơ tán dân các vùng ven biển, thấp trũng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để thực hiện sơ tán.