Chuyện tưởng chừng khá hi hữu, nhưng đã có đến 2 trường hợp xảy ra ngay trong cùng một công ty.
Ngày 29.7, P.T.L (24 tuổi, công nhân Công ty F.T thuộc Khu chế xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP.HCM) đi đặt vòng tránh thai tại Phòng khám An An Bình (Bình Dương). Sau đó, cô được công ty giải quyết cho nghỉ 7 ngày theo giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do phòng khám trên cấp.
Chả hiểu sao, chưa đầy 3 tuần sau, L phát hiện mình có thai và phải trở lại Phòng khám An An Bình để điều hòa kinh nguyệt. Theo giấy chứng nhận của phòng khám, thai của cô đã được 5 tuần tuổi và yêu cầu công ty cho L nghỉ theo chế độ hưởng BHXH 20 ngày.
Các cơ sở y tế phải tuân thủ nguyên tắc chỉ được đặt vòng trên những phụ nữ đã được làm các xét nghiệm theo đúng quy định (ảnh minh họa) .
Tương tự, Đ.T.A (32 tuổi, làm cùng công ty với L) đi đặt vòng tại Phòng khám Hoàn Hảo (Bình Dương) và được duyệt cho nghỉ hưởng BHXH từ ngày 10 đến 16.9. Ngày 1.10, tức đúng 3 tuần sau ngày đặt vòng, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) chẩn đoán cô bị sẩy thai 4 tuần và cấp giấy nghỉ 10 ngày theo chế độ hưởng BHXH.
Công ty F.T cho biết, BHXH TP.HCM đã không đồng ý thanh toán bảo hiểm cho 20 ngày nghỉ “điều hòa kinh nguyệt” của L và yêu cầu công ty xuất toán. Trường hợp của A, cơ quan BHXH đang xem xét và nhiều khả năng cũng sẽ yêu cầu xuất toán.
Theo BHXH thành phố, ở trường hợp của A và L, căn cứ vào các ngày nghỉ cho thấy, các cô này đã dính bầu trước khi đặt vòng ít nhất từ 1 - 2 tuần. Chắc chắn việc thăm khám trước khi đặt vòng cho bệnh nhân có vấn đề. Trong trường hợp của A và L, cơ sở y tế đã tiến hành đặt vòng phải chịu trách nhiệm.