Dân Việt

Núi rừng “đòi nợ” thủy điện

Hùng Phiên 25/11/2013 06:56 GMT+7
Không thể giấu giếm thông tin: Chính những cánh rừng đầu nguồn bị cạo trọc để làm “vàng trắng” đã tạo lũ chôn vùi Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak (tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định)…
Theo thông tin chúng tôi nắm được, nhà máy thủy điện này bị lũ cuốn hàng ngàn m3 đất cát từ núi rừng đầu nguồn đổ về vùi lấp vào đêm 15.11. Đến ngày 23.11, Ban Quản lý Thủy điện 7 (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak) đã huy động trên 500 người cùng nhiều phương tiện máy móc khắc phục sự cố.

 Khu vực bên dưới đường ống dẫn nước vào Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak.
Khu vực bên dưới đường ống dẫn nước vào Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak.

Tuy nhiên, cảnh tượng hoang tàn khủng khiếp vẫn bày ra trước mắt chúng tôi khi chứng kiến hiện trường. Tại khu vực nhà máy, nhiều hố sâu nứt toác, hệ thống công trình nhà kho, máy móc, thiết bị, đường ống dẫn - kênh thoát nước vẫn bị ngập vùi trong những khối lũ bùn; hệ thống liên lạc cố định của nhà máy đã bị sét đánh hỏng… làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của nhà máy.

Ông Nguyễn Văn Cương - Trưởng phòng Tổ chức Công ty cổ phần Thủy điện An Khê - Kanak, tiếp chúng tôi một cách miễn cưỡng. Ông Cương cho biết, không thể cung cấp thông tin cụ thể về các hạng mục bị lũ chôn vùi, phá hỏng; thiệt hại của nhà máy và người dân ra sao…(?). Ông Cương chỉ nói vắn tắt: Sự cố nhà máy bị vùi lấp là do lũ ống quá lớn, đất cát “không biết từ đâu” trên núi đổ tuôn xuống, gây xói lấp nặng nề... đơn vị đang tiếp tục huy động lực lượng tập trung khắc phục hậu quả…

Cạnh nhà máy, khu vực kênh dẫn xả nước từ Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak ra sông Kôn (Bình Định) cũng bị đất đá lấp dày, hàng loạt hầm hố sạt lở, hư hỏng nhiều đoạn,... Những con đường, cây cầu đi vào nhà máy vẫn đang bị đứt gãy khắp nơi. Một vùng núi rừng, công trình dân sinh thuộc hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đã bị tan hoang cùng với sự cố thủy điện bị lũ vùi.

Ông Đỗ Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Trước đây, Nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak cũng đã từng bị lũ núi xói lở vùi lấp từng phần nhưng đây là đợt nặng nề nhất. Chính cầu Suối Cát (Tây Thuận) do thủy điện này xây dựng, cũng bị đứt nhịp do “lũ chồng” sau sự cố nhà máy. Ông Sỹ vẫn chưa dám khẳng định đợt lũ gây hại ra vùng dân cư vừa qua có phải do thủy điện “kia” tạo ra hay bởi “ông trời”...!?