Dân Việt

Vụ bé trai tử vong tại phòng khám chui: Không phải là lần đầu...

Diệu Linh 26/11/2013 07:01 GMT+7
Theo tường trình của BS Phạm Anh Sơn (Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Thường Tín) - người chịu trách nhiệm về cái chết của bé Nguyễn Đình Quân - đây không phải lần đầu bác sĩ này gây tử vong cho bệnh nhi.
Ông Nguyễn Hữu Luân - Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín - vừa cho PV Dân Việt biết thông tin trên.

Phòng khám Hương Sơn.
Phòng khám Hương Sơn.

Trước đó, tháng 6.2013, vị bác sĩ này đã điều trị cho một trẻ bị viêm phổi tại phòng khám Hương Sơn và cháu bé này cũng đã tử vong. Bác sĩ Sơn cũng tiêm hai loại thuốc: Ceftriaxon 1g x 1 lọ tiêm tĩnh mạch (đã thử phản ứng), Solumedrol 40mg x 1/2 ống tiêm tĩnh mạch chậm (như tiêm cho cháu Quân) và bán thuốc cho bệnh nhi này về nhà uống.

Sau khi uống, cháu bé này cũng đã gặp phản ứng thuốc, được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư. Tuy nhiên, cháu bé đã không qua khỏi và tử vong, nhưng do bác sĩ Sơn đã giải quyết “êm xuôi” với gia đình nên không bị kiện.

Chính vì vụ việc này nên phòng khám Hương Sơn của bác sĩ Sơn đã bị thanh tra Phòng Y tế huyện Thường Tín “sờ gáy”, bị phạt 17,5 triệu đồng và buộc phải đóng cửa. Song, không biết có “phép lạ” nào mà bác sĩ Sơn đã qua mắt được thanh tra y tế huyện và chính quyền sở tại để tiếp tục hoạt động, dẫn đến cái chết tức tưởi cho cháu Quân.

Cụ thể, ngày 20.11, với cùng chẩn đoán viêm phổi, bác sĩ Sơn đã tiếp tục tiêm hai loại thuốc “gây chết người” tương tự (không thử phản ứng), khiến cháu Quân bị sốc và tử vong.

Ông Luân cũng cho biết, sau khi bị xử phạt hành chính vì “gây chết người”, bác sĩ Sơn đã nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa của Sở Y tế Hà Nội. Tuy nhiên, sau nửa năm, bác sĩ Sơn vẫn không được Sở Y tế cấp phép hoạt động hành nghề y tư nhân.

Bà Trần Nhị Hà - Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân, Sở Y tế Hà Nội - khẳng định, ngay cả trong trường hợp phòng khám Hương Sơn của bác sĩ Phạm Anh Sơn đã được cấp phép hoạt động thì vị bác sĩ này cũng đã hành nghề quá phạm vi chuyên môn gây hậu quả chết người. Bởi theo quy định, phòng khám chuyên khoa nhi chỉ được khám các bệnh thông thường, bác sĩ kê đơn không được bán thuốc, cũng không được tiêm cho bệnh nhân trừ trường hợp cấp cứu.

Tuy nhiên, bác sĩ Sơn vừa kê đơn, vừa bán thuốc và vừa thản nhiên tiêm thuốc cho bệnh nhân. Bà Hà nhận định, với những lỗi vi phạm như vậy, phòng khám Hương Sơn phải bị đình chỉ hoạt động và bị xử phạt, tước chứng chỉ hành nghề. Song, Sở Y tế Hà Nội vẫn “chưa quyết” được hình thức xử lý đối với phòng khám Hương Sơn.

Bà Hà cho biết, về trường hợp bác sĩ Sơn vẫn cần báo cáo lên Bộ Y tế để hỏi về hình thức xử lý, có nên tiếp tục cấp phép hành nghề cho bác sĩ Sơn hay không? Có cho phép bác sĩ Sơn mở phòng khám hay không?

Ông Nguyễn Văn Dung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, sau khi bị xử phạt xử phạt hành chính 17,5 triệu đồng vì “gây chết người”, bác sĩ Sơn đã cam kết với Bệnh viện Đa khoa Thường Tín là sẽ không hành nghề khi chưa được cấp phép. Bệnh viện đã có hình thức kỷ luật là cắt tiền thu nhập tăng thêm tháng 7 của bác sĩ Sơn. Tuy nhiên, sau đó bác sĩ Sơn vẫn tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh và gây ra tử vong cho cháu Quân vào ngày 20.11.

Theo ông Dung, đây là vụ việc nghiêm trọng, Sở Y tế Hà Nội sẽ xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, theo ông Dung, việc xử lý hành nghề y dược tư nhân không phép hiện nay vẫn khá lúng túng. Qua kiểm tra, chỉ tính riêng huyện Thường Tín có tới 5 phòng khám của bác sĩ công lập hành nghề ngoài giờ không phép, ngay tại Hà Đông cũng có tới 10 phòng khám không phép, Sở Y tế “biết cả” nhưng vẫn lúng túng trong xử lý sai phạm.

Theo ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, ước lượng Sở Y tế phải quản lý 14.000 chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ và 21.000 giấy phép hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân. Sau khi nộp hồ sơ 3 tháng, cơ sở y tế tư nhân sẽ được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, vì một số lý do (hồ sơ không hợp lệ, cơ sở vật chất chưa đầy đủ…), một số cơ sở cần 6 tháng tới 1 năm mới được cấp phép.