Dân Việt

Cuộc đời "hiện thực kỳ ảo" của nhà văn Garcia Marquez

Vietnam+ 18/04/2014 13:45 GMT+7
Cả thế giới đã nghiêng mình trước tin Gabriel Garcia Marquez, nhà văn từng nhận giải Nobel người Colombia với những tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, đề cập tới tình yêu, gia đình và biến động chính trị ở Mỹ Latin, qua đời ở tuổi 87.

Gabriel Garcia Marquez lên đường tới Thụy Điển nhận giải Nobel Văn học năm 1982 (Nguồn: AFP)
Gabriel Garcia Marquez lên đường tới Thụy Điển nhận giải Nobel Văn học năm 1982 (Nguồn: AFP)

Được gọi với cái tên trìu mến “Gabo”, tác giả của “One Hundred Years of Solitude” (tựa tiếng Việt là Trăm năm cô đơn qua bản dịch của Nguyễn Trung Đức) và “Love in the Time of Cholera” (Tình yêu thời thổ tả) đã trở thành một trong những văn sĩ nổi tiếng nhất ở Mỹ Latin và trên toàn thế giới với tư cách là cha đẻ của một trào lưu văn học lớn trong thời kỳ đầy biến động ở nam bán cầu.

Còn là một nhà báo, Marquez là một cá tính đặc sắc, một người bạn của cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Marquez từng ẩu đả với Mario Vargas Llosa, một nhà văn có giải Nobel khác, và nói đùa rằng ông viết để có được tình yêu từ bạn bè.

Viết "Trăm năm cô đơn" không không một xu dính túi

Sinh ngày 6/3/1927 ở làng Aracataca nằm bên bờ biển Caribe của Colombia, Garcia Marquez là con trai của một nhân viên làm trong ngành điện tín. Ông được ông bà và những người dì nuôi lớn trong một nền văn hóa nhiệt đới chịu nhiều ảnh hưởng của chế độ thực dân Tây Ban Nha, người da đỏ bản địa và những nô lệ da đen. Ông của Marquez là một đại tá về hưu.

Những bối cảnh sống động của quê hương đã tạo cảm hứng cho các trang viết của ông sau này. Kiệt tác của ông, “Trăm năm cô đơn”, được dịch ra 35 thứ tiếng, bao gồm tiếng Việt, và bán được hơn 30 triệu bản.

Cuốn sách xuất bản năm 1967 này là câu chuyện văn học và lịch sử về một gia đình ở một ngôi làng tưởng tượng tại vùng Caribe, làng Macondo, trong giai đoạn chuyển giao giữa thế kỷ 19 và 20, cuốn tiểu thuyết đã biến nhà văn với bộ râu kẽm và lông mày dày này thành một ngôi sao tầm cỡ thế giới.

Garcia Marquez viết cuốn sách sau khi chuyển tới sống ở Mexico City năm 1961 từ New York, sau một hành trình dài trên xe đò cùng bà vợ Mercedes Barcha và con trai Rodrigo. Con trai thứ hai của ông, Gonzalo, ra đời một năm sau đó ở thủ đô Mexico, nơi Marquez đã sống hơn ba thập kỷ.

Ông từng nhớ lại mình tới Mexico City “không tên tuổi và không một xu trong túi”.

Marquez đã phải trải qua những khó khăn về tài chính, làm cho các công ty quảng cáo, viết bài PR và các kịch bản phim rẻ tiền, cũng như biên tập cho các tạp chí nhỏ.

“Chừng nào còn whisky, thì không có chi phải muộn phiền”, Garcia Marquez nói. Ông đã nợ chín tháng tiền thuê nhà khi chấp bút “Trăm năm cô đơn” và chỉ đủ tiền để trả cước bưu điện gửi bản thảo cuốn sách cho biên tập viên của ông ở Argentina.
Marquez nhận giải Nobel từ tay Vua Gustaf của Thụy Điển (Nguồn: AFP)
Marquez nhận giải Nobel từ tay Vua Gustaf của Thụy Điển (Nguồn: AFP)

Garcia Marquez đã mặc một bộ liqui-liqui màu trắng, trang phục truyền thống với cổ áo cao của dân bản địa nơi ông ra đời, tới nhận giải Nobel văn chương tại Thụy Điển năm 1982. Ủy ban Nobel trao cho ông giải thưởng vì những cuốn sách “xuất sắc và thấm đẫm chất hiện thực kết hợp với một thế giới giàu có những tưởng tượng, phản ánh đời sống và những mâu thuẫn của lục địa Nam Mỹ”.

Trong bài phát biểu nhận giải, Marquez nói những tác phẩm của ông “là chắt lọc từ hiện thực” của các chế độ hà khắc và nội chiến ở Mỹ Latin. Những sách nổi tiếng khác của ông bao gồm “Chronicle of a Death Foretold” (Ký sự về một cái chết được báo trước), “The General in His Labyrinth” (Tướng quân giữa mê hồn trận) và cuốn tự truyện “Living to Tell the Tale” (Sống để kể lại).

Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, “Memories of My Melancholy Whores” (Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi), in năm 2004.

Nhà báo vĩ đại

Garcia Marquez cũng để lại dấu ấn trong trong nghề báo, mà ông được mô tả là “nhà báo với những trang viết đẹp đẽ nhất thế giới”. Ông đã thành lập Quỹ Iberia-châu Mỹ vì nền báo chí mới ở thành phố cảng Colombia Cartagena vào năm 1994.

Công việc đầu tiên của ông cũng là với báo chí, tờ El Espectador ở Bogota, nơi đăng chuyện ngắn đầu tiên của ông năm 1947, với nhuận bút 800 peso, tức không tới 0,5 USD mỗi tháng.

Ông phải trốn sang châu Âu sau một bài báo làm chế độ độc tài quân sự phật lòng, sống ở Geneva, Rome và Paris, nơi ông hoàn tất tác phẩm năm 1961, “No One Writes to the Colonel” (Ngài đại tá chờ thư).

Là một người ngưỡng mộ cuộc cách mạng Cuba, ông làm phóng viên thường trú cho hãng tin nhà nước Cuba Prensa Latina ở Bogota và New York. Marquez có tình bạn thân thiết với nhà lãnh đạo Castro. Ông Castro gọi Marquez là “một người đàn ông với tấm lòng con trẻ và tài năng siêu việt”.
Marquez và lãnh tụ Cuba Fidel Castro năm 2000 (Nguồn: AFP)
Marquez và lãnh tụ Cuba Fidel Castro năm 2000 (Nguồn: AFP)

Nhưng ông cũng được cả cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton ngưỡng mộ. “Tôi thấy vinh dự vì được làm bạn với một người vừa có trái tim tuyệt vời, vừa có trí óc sáng suốt trong hơn 20 năm”, ông Clinton nói hôm thứ Năm.

Ở Mexico, bạn bè của ông gồm các nhà văn Mexico nổi tiếng Octavio Paz và Carlos Fuentes. “Tôi viết để được bạn bè yêu mến”, ông Marquez nói. Ông cũng từng là bạn của Vargas Llosa, nhưng họ cãi cọ và ẩu đả khi tiểu thuyết gia người Peru đấm Marquez bên ngoài một rạp chiếu phim ở Mexico City năm 1976.

“Chúng tôi đều kinh ngạc và sửng sốt”, tác giả người Mexico Elena Poniatowska nói về vụ việc. Không ai tiết lộ nguyên nhân của vụ cãi cọ là gì.