“Định chế ly thân nó hạn chế ly hôn, vì có ly thân người ta sống riêng ra, thời gian đó có thể giải tỏa ức chế tạm thời, nếu có thể hàn gắn thì xin hủy ly thân đi, những nước có định chế ly thân thì ly hôn giảm đi” – đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP HCM) đã phát biểu khi bàn về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Chiều 14.11, cho ý kiến về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) nhiều đại biếu Quốc hội đã nhất trí với nội dung hạ độ tuổi kết hôn của nam từ 20 xuống 18, để nam nữ bằng nhau.
Việc thay đổi này đồng tình vừa phù hợp với các quy định của các bộ luật khác mà còn đảm bảo theo các cam kết quốc tế khác. ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng: “Hiện cơ sở xã hội xu hướng muộn lấy chồng, chậm lấy vợ diễn ra khá phổ biến, sửa luật không ảnh hưởng gì đến việc xây dựng gia đình”.
Một trong những nội dung mới của dự án luật là chế định ly thân đã được nhiều đại biểu cho ý kiến. Đa số đều đồng tình với chế định mới này. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) cho rằng vấn đề xem lại việc thiết kế quy định liên quan đến ly thân để đảm bảo tính chặt chẽ. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nêu băn khăn, nhiều trường hợp khi ly thân tài sản cũng riêng luôn, có thể lợi dụng việc này để trốn công nợ.
Dự họp tại Đoàn ĐB Quốc hội TP HCM với tư cách khách mời tham dự, ông Dương Đăng Huệ - Trưởng ban soạn thảo dự án Luật hôn nhân và gia đình (Vụ trưởng Vụ pháp luật Kinh tế - Dân sự - Bộ Tư pháp) phát biểu: Việc xây dựng luật lần này dựa trên nguyên tắc rất lớn, đối diện với thực tế cuộc sống nhằm giải quyết việc hôn nhân gia đình một cách nhân đạo.
Nhất trí với ý kiến của ĐB Trần Du Lịch rằng ly thân là công cụ pháp lý để bảo vệ hôn nhân, chứ không phải để làm hỏng hôn nhân, ông Huệ nhấn mạnh: “Thực tế trong cuộc sống đã có ly thân theo những kiểu dân gian. Khi mâu thuẫn gia đình có 2 con đường, thứ nhất là hòa giải, thứ hai là ly hôn tại sao chúng ta không cho thêm công cụ nữa là ly thân”.
Một vấn đề khác tuy không có trong dự án luật nhưng vẫn được các đại biểu đưa ra. Theo ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), chuyện sống thử, muốn hay không muốn, nó vẫn xảy ra trong thực tiễn. Không đưa vào luật thì sống với nhau trong vợ chồng vẫn xảy ra. “Trước kia chúng ta đã có quy định xử lý sống chung với nhau như vợ chồng. Nếu không đưa vào luật, quy định rõ thì hậu quả thì người phụ nữ bị làm mẹ phải gánh chịu.”- ĐB Hồng nêu ý kiến.
Còn BĐ Nguyễn Xuân Thuỷ (Phú Thọ) cũng đưa ra con số có hơn 300.000 cặp nam nữ sống chung như vợ chồng. “Thay vì chấp nhận, tại sao chúng ta không đưa chế tài xử phạt thật mạnh, bởi nó vi phạm Luật hôn nhân và gia đình”. Để giải quyết vấn đề trên, ĐB Đỗ Văn Đương đưa ra đề xuất: Luật nên đề xuất hôn nhân tạm thời, để cặp vợ chồng đó sống với nhau 2 -3 năm. Khi sống với nhau nảy sinh những vấn đề như không sinh được con, không hợp tính tình… có thể chia tay, lúc đó họ còn trẻ, cơ hội cho cả 2 đều rộng mở.