Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông trước Quốc hội hôm 21.11 vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội đã phải than phiền: “Chúng ta có rất nhiều đài, nhiều khi bắt người dân nghe quá nhiều, làm tác động đến môi trường sống”.
Hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội đã nêu ý kiến hợp lòng dân.
Nhìn chung, trừ các đài ở trung ương, còn lại rất nhiều đài phát thanh, truyền hình từ cấp tỉnh trở xuống ngốn rất nhiều tiền ngân sách...
Tuy vậy các đài này là công cụ tuyên truyền, cứ phát và ép người nghe, người xem phải nghe, phải xem hoặc phải tắt máy đi, hoặc chẳng có cách gì khác (như với đài phường). Đúng như Chủ tịch Quốc hội nói “bắt người dân nghe quá nhiều” thông tin một chiều mà người dân đành chịu. Không những lãng phí, mà còn “tác động đến môi trường sống”, nói chính xác là gây ô nhiễm môi trường, đúng như Chủ tịch Quốc hội nói, làm tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân.
Đấy là nói đến thông tin một chiều từ cơ quan tuyên truyền tới người dân. Nhưng cũng có người nói đấy là việc rất quan trọng để góp phần vào việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Nghe có vẻ có lý nhưng là điều ngụy biện. Quyền tiếp cận thông tin của người dân là một quyền hiến định, là việc người dân muốn biết thông tin liên quan đến hoạt động của các cơ quan nhà nước (hay của các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ); công dân nêu yêu cầu về thông tin của mình và cơ quan nhà nước (hay tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ) phải cung cấp thông tin cho công dân. Nó là loại thông tin hai chiều, công dân hỏi, cơ quan trả lời, chứ không phải thông tin áp từ trên xuống buộc người dân phải tiếp nhận.
Cũng trong phiên chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, từ năm 2009, do khó khăn về kinh phí, nguồn lực nên dự án luật về đảm bảo quyền thông tin của người dân chưa được khởi động. Ông hứa trong tương lai “nếu điều kiện cho phép, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Chính phủ đảm bảo nhiệm kỳ này trình ra Chính phủ dự án Luật Tiếp cận thông tin”.
Ở nhiều nước tiên tiến, họ có luật rất nghiêm để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Trừ các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, công dân có thể đòi cơ quan nhà nước, hay bất cứ tổ chức nào được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, phải cung cấp thông tin mà không cần nêu lý do.
Quốc hội nên tự soạn thảo hoặc buộc Chính phủ trình luật này càng sớm càng thể hiện sự tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân.