Dân Việt

Thay đổi tư duy sau thông điệp

Trong thông điệp đầu năm Thủ tướng vừa đưa ra, vấn đề tam nông được nhấn mạnh rất rõ ràng: “Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Có 3 lý do, mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra thông điệp trên, đó là: Thứ nhất, hiện đã đến giai đoạn tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khoá X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Qua tổng kết cho thấy, nông nghiệp đã được khẳng định là trụ đỡ cho nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức 25-27 tỷ USD, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và củng cố an ninh quốc phòng…

Thứ 2, thông điệp đưa ra xuất phát từ những bức xúc trong xã hội, nông dân thu nhập thấp dẫn tới bỏ ruộng, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm, nhất là những mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê.

Thứ 3, hiện chúng ta đang xây dựng chương trình nông thôn mới, nhưng các chỉ tiêu về thu nhập, về đời sống, sản xuất chưa được quan tâm so với các chỉ tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn tới hiệu quả đạt được chưa cao và bền vững.

Vậy sau thông điệp của Thủ tướng, chúng ta cần phải làm gì? Chúng ta phải thay đổi tư duy về vấn đề quy hoạch, nếu trước đây chúng ta quy hoạch về mặt sản xuất, thì bây giờ phải quy hoạch theo thị trường. Chẳng hạn, dù sản xuất lúa đang có lợi thế, nhưng cũng phải xem thị trường sắp tới như thế nào? Bài toán về 3,8 triệu ha đất lúa, 7- 8 triệu tấn gạo xuất khẩu như thế nào?

Thông điệp của Thủ tướng cũng nói rõ, cần đề cao vị trí, vai trò của nông dân là chủ thể. Trước đây, chúng ta hướng tới đóng góp về mặt tổng thể cho xã hội của ngành về mặt xuất khẩu, về mặt sản xuất, nhưng chúng ta ít quan tâm đến đời sống của người trực tiếp sản xuất.

Do đó, mới có tình trạng nông dân bỏ ruộng, không mặn mà với sản xuất, dẫn tới không đạt được mục tiêu chung về sự phát triển. Vì vậy, cần quan tâm trở lại tới chủ thể, những người làm trực tiếp, trực canh... để họ yên tâm sản xuất thì mới đảm bảo sản xuất bền vững.

Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, người nông dân không đủ sống do giá sản phẩm thấp, nhưng giá vật tư đầu vào lại quá cao. Do vậy, tất cả các chính sách phải lấy nông dân làm trụ cột của nền kinh tế và chính sách phải xoay quanh trụ cột đó.

Nông nghiệp đã đóng góp 22% GDP hàng năm cho nền kinh tế đất nước, song hiện mức đầu tư cho ngành chỉ đạt 6% là chưa tương xứng với vị trí. Do vậy, muốn thực hiện được những gì truyền đi trong thông điệp của Thủ tướng, chúng ta cần thay đổi về tư duy nhận thức, thay đổi về cơ cấu đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn.