Dân Việt

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Bước tiến của dân chủ, đổi mới

Long Nguyên - Anh Thư 29/11/2013 11:37 GMT+7
Sáng 28.11, với 97,59% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau "giờ phút lịch sử" như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, các đại biểu đồng loạt đứng lên vỗ tay chúc mừng.
Có ý nghĩa lịch sử

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, việc thông qua Hiến pháp lần này là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Bản dự thảo Hiến pháp là kết quả của quá trình làm việc cần mẫn, tận tụy của các vị đại biểu Quốc hội, của đồng bào trong và ngoài nước; các đơn vị, các ngành, các cấp. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, bản Hiến pháp đã thể hiện được tinh thần đổi mới. Một bản Hiến pháp được chuẩn bị với tinh thần như vậy đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân. Mỗi đại biểu Quốc hội đều đã làm việc hết sức mình, thảo luận ở 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu và tiếp thu, chắt lọc được tinh hoa, trí tuệ của toàn dân để cho ra được bản dự thảo Hiến pháp thông qua lần này.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang - trái)  và các đại biểu  sau phút biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang - trái) và các đại biểu sau phút biểu quyết thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992.

Chủ tịch Quốc hội nói: "Chúng tôi hiểu rằng, trong một bộ phận thuộc các tầng lớp chúng ta và ngay cả một số vị đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến khác. Tuy nhiên, đại đa số nhân dân và Quốc hội đã đồng tình cao với dự thảo thông qua lần này. Với quyền năng và đồng bào cử tri cả nước, chúng ta sẽ thể hiện được ý chí nguyện vọng của đại đa số nhân dân, ý chí nguyện vọng của đại đa số đại biểu Quốc hội, đó là sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc".

Trước đó, để chuẩn bị cho giờ ấn nút, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là người thay mặt Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Thực hiện Chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 18.11.2013, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và sửa trực tiếp vào dự thảo và thể hiện ý kiến về những nội dung trong phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đến nay, Đoàn thư ký kỳ họp đã nhận được 408 phiếu xin ý kiến và đã có nhiều vị đại biểu Quốc hội gửi bản góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo. Các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với bố cục của Dự thảo Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) và cho rằng, bố cục của Hiến pháp như vậy là hợp lý, chặt chẽ và khoa học, nội dung và kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.

Thể hiện rõ bản chất của Nhà nước

Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi), bên hành lang Quốc hội nhiều đại biểu nhận định bản Hiến pháp này đã tiếp thu toàn bộ ý kiến các đại biểu Quốc hội trên tinh thần thấu hiểu, chắt lọc những tinh hoa trí tuệ của toàn dân tộc.

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đầy đủ và cẩn trọng đối với quá trình xem xét và qua nhiều vòng từ lấy ý kiến của toàn dân rồi thảo luận qua mấy kỳ họp Quốc hội và đến hôm nay thông qua. Đây là kết quả của sự nỗ lực của hệ thống chính trị với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp.

"Tôi nghĩ rằng lần sửa đổi lần này đã nâng tầm quan điểm của Hiến pháp đối với những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân đến những vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội, ví dụ chúng ta đã đưa ra được tuyên ngôn về vấn đề an sinh xã hội, vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân, vấn đề học tập tối thiểu những chính sách cho người có công, người cao tuổi, những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống" - bà Mai cho biết.

"Bản Hiến pháp vừa được thông qua đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân. Đây là bản Hiến pháp đã chuẩn bị công phu, tâm huyết với tinh thần tận tụy và khoa học”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Nhiều đại biểu nhận định: Hiến pháp 1992 (sửa đổi) có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng đánh giá, Ban soạn thảo đã tiếp thu những ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân đóng góp vào bản Hiến pháp. Đồng thời, Ban soạn thảo đã giải trình rõ những nội dung có ý kiến khác nhau của bản dự thảo. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết thêm: "Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ, chắt lọc ý kiến của cử tri, đại biểu đưa vào bản Hiến pháp mới này. Đây là bản Hiến pháp chứa đựng tinh hoa, chắt lọc ý kiến hay và là đạo luật gốc để sau này điều chỉnh một số luật khác cho phù hợp với tình hình mới hiện nay để củng cố, bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế".