Chánh văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường cho biết, ngoài tiếp nhận phản ánh của người dân thì đường dây nóng cũng là công cụ giám sát để cán bộ y tế có ý thức hơn trong quá trình hành nghề.
Một ông bố đưa con đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội đã rất bức xúc trước thái độ và chuyên môn của bác sĩ điều trị.
Tại đây, ban đầu trẻ được cho nhập viện với chẩn đoán viêm phổi, nhưng khi làm xét nghiệm thì bị tim bẩm sinh. Bác sĩ nói chữa được và giữ lại điều trị. Sau 6 ngày gia đình không thấy con đỡ, tình trạng còn nặng hơn nên mới xin chuyển viện. Khi đó, họ phải thuê xe ngoài đưa con lên Bệnh viện Xanhpôn, không có y tá, bác sĩ đi kèm. Sau đó, do bệnh quá nặng, bệnh nhi lại được chuyển tiếp lên Bệnh viện Tim Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết: “Ngay khi nhận được phản ánh này qua đường dây nóng (0973306306), bản thân tôi trực tiếp gọi điện cho Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và Bộ cũng có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu giải quyết và báo cáo kết quả. Hiện trẻ đã được mổ tim nhưng tình trạng bệnh vẫn rất nặng vì cháu chưa đầy một tháng tuổi, suy dinh dưỡng và có rất nhiều dị tật bẩm sinh của tim”.
Các bệnh viện đều phải lập đường dây nóng, kèm theo số điện thoại của lãnh đạo bệnh viện để kịp thời giải quyết thắc mắc của người bệnh. Ảnh: Nam Phương.
Ông chánh văn phòng cho biết, trong thời gian hoạt động từ 7.11 đến ngày 30.11, đường dây nóng nhận hơn 1.200 thông tin, trung bình có 50 - 60 cuộc gọi mỗi ngày. Trong đó, khoảng 35% là phản ánh thực sự các vấn đề liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, còn lại là hỏi về tư vấn sức khỏe, kiểm tra, thậm chí có cả nháy máy, phá rối...
Đường dây nóng hiện có 8 người phụ trách, trực 24/24. Khi có cuộc gọi đến, nhân viên tổng đài sẽ cung cấp các số điện thoại trực lãnh đạo Bệnh viện để người dân phản ánh trực tiếp. Nếu phản ánh của người dân chưa được xử lý thỏa đáng có thể phản ánh tiếp lên lãnh đạo Sở Y tế và Bộ Y tế. Hằng ngày, nhân viên trực tổng đài đều ghi chép lại và báo cáo tình hình tiếp nhận thông tin trong ca trực vào 10 giờ sáng ngày hôm sau.
Ông Trường giải thích thêm, trường hợp khẩn như bệnh nhân đang chờ khám chữa thì người trực lãnh đạo Bộ sẽ gọi điện cho giám đốc bệnh viện yêu cầu giải quyết ngay; Trường hợp thông tin không khẩn cấp (phản ánh tinh thần thái độ phục vụ, hỏi về chế độ, chính sách ...) Bộ sẽ gửi công văn các đơn vị liên quan, yêu cầu báo cáo.
Cũng theo ông Trường, các cơ sở y tế đã thiết lập đường dây nóng từ lâu, nhưng thực tế nhiều bệnh viện hoạt động không hiệu quả và thường xuyên. Vì thế, Bộ Y tế vừa ban hành chỉ thị nhằm tăng cường và chấn chỉnh hoạt động của đường dây nóng ở 3 cấp (Bệnh viện, Sở Y tế và Bộ).
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế. Ảnh: Nam Phương.
Một số ý kiến cho rằng việc Bộ Y tế siết chặt hoạt động đường dây nóng đang làm tăng áp lực lên chính nhân viên y tế, ông Trường chia sẻ: “Không ai muốn làm tăng áp lực cho bác sĩ vì trong khi khám chữa bệnh họ cần phải tập trung để khám, chẩn đoán bệnh, nhưng đây là biện pháp bắt buộc phải làm trước dư luận bức xúc thời gian qua. Nó là một công cụ tốt giúp cho việc quản lý, giám sát trong ngành y. Mỗi cán bộ y tế cần biết việc làm của mình đang được giám sát để có ý thức hơn trong quá trình hành nghề".
Ông Trường cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với một đơn vị viễn thông xây dựng đường dây nóng của toàn ngành theo hướng thống nhất (một mạng điện thoại), thao tác đơn giản hơn để thuận tiện cho người dân cũng như việc theo dõi, đánh giá hoạt động của đường dây.
Trước đó, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chủ trì một hội nghị trực tuyến về thiết lập đường dây nóng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bộ trưởng kêu gọi toàn ngành y tế cần chấn chỉnh thái độ chăm sóc người bệnh; nghiêm khắc xử lý những trường hợp bị dân phản ánh.