Dân Việt

Không thể chủ quan với gió mùa đông bắc

Lưu Minh Hải 23/11/2013 10:55 GMT+7
Theo ghi nhận, không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta hoạt động quanh năm, chỉ trừ hai tháng 7 và 8, những tháng mùa hè mỗi khi không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống miền Bắc thường gây mưa rào và giông trên diện rộng.

Kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, lốc xoáy, gió giật mạnh và sét đánh, thời tiết chuyển mát, đôi khi có những đợt không khí lạnh tràn về khá mạnh khiến nền nhiệt độ giảm khoảng 3-4 độ C.

img
Ảnh minh họa từ internet

Từ tháng 10 trở đi, không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ rõ nét hẳn và mật độ cũng tăng dần. Không khí lạnh ảnh hưởng mạnh nhất là vào tháng 12 năm trước, tháng 1 và 2 năm sau. Thời gian này trung bình mỗi tháng có từ 2-3 đợt không khí lạnh có cường độ khá mạnh tràn về, chưa kể các đợt không khí lạnh tăng cường bổ xung.

Trong đó có đợt tràn về với cường độ mạnh gây trời chuyển rét đậm, rét hại. Các đợt rét đậm, rét hại ở vùng núi thường nhiều hơn và kéo dài hơn so với vùng đồng bằng. Đôi khi những năm rét nặng ở một số địa phương vùng núi có độ cao từ 1500m trở lên (so với mực nước biển) như Ý Tý (Lào Cai), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai) xảy ra hiện tượng thời tiết "đặc sắc" mưa tuyết.

Không khí lạnh tràn xuống miền Bắc kèm theo Pront lạnh (mặt trận) thì được gọi là gió mùa đông bắc. Những đợt tràn xuống với cường độ yếu hơn thì được coi là không khí lạnh tăng cường.

Những đợt gió mùa đông bắc tràn xuống với cường độ mạnh thường gây gió trên đất liền mạnh cấp 3-4. Vùng ven biển cấp 4-5, vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh bắc và trung Trung Bộ thường có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động rất mạnh, rất nguy hiểm đối với tàu thuyền.

Vì vậy, ngư dân miền Bắc và Trung Bộ không thể chủ quan với các đợt gió mùa đông Bắc có cường độ mạnh tràn về. Vì gió mà không khí lạnh gây ra mạnh tương đương với gió trong một áp thấp nhiệt đới. Ngoài ra, mỗi khi gió mùa đông bắc ảnh hưởng thường gây biển động mạnh và kéo dài hơn so với tác động của bão, hoặc áp thấp nhiệt đới.