Dân Việt

Lao động “ký quỹ” đầu tiên đã sang Hàn Quốc

Minh Nguyệt 26/11/2013 07:21 GMT+7
Ngày 25.11, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã tiễn 35 lao động sang Hàn Quốc làm việc lại theo Chương trình EPS. Đây cũng là những lao động đầu tiên đi xuất khẩu lao động có ký quỹ...
Bất ngờ vẫn phải xoay

“Dù hơi bất ngờ vì được thông báo trước khi xuất cảnh phải ký quỹ 100 triệu đồng, nhưng chúng tôi cũng cố gắng xoay xở để đảm bảo đúng thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc” – anh Lê Văn Vịnh (phường Nghi Hải, Cửa Lò, Nghệ An) nói.

35 lao động hoàn tất các thủ tục trước khi lên đường sang Hàn Quốc làm việc.
35 lao động hoàn tất các thủ tục trước khi lên đường sang Hàn Quốc làm việc.

Lao động Trần Đức Khánh (xã Chính Nghĩa, Kim Động, Hưng Yên) thì phải xoay xở vất vả hơn một chút. Khánh kể: “Em đã đi làm ở Hàn Quốc 4 năm, mặc dù tích lũy được cả trăm triệu đồng nhưng phải gửi về cho gia đình trả nợ, lo ăn học và xin việc cho em gần hết. Nay được xuất cảnh lại, việc lo số tiền 100 triệu đồng để ký quỹ cũng khá vất vả. Tuy nhiên, em cũng đã xoay xở và rút hết tiền tiết kiệm để lo ký quỹ, sang đó làm thêm một thời gian nữa để lấy chút vốn sau này về quê làm ăn”.

Là lao động thuộc diện hộ nghèo, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (TP.HCM) cho rằng, với lao động trung thành về nước đúng hạn quay sang Hàn Quốc thì việc ký quỹ 100 triệu đồng không phải là vấn đề lớn. “Nhưng với lao động nghèo, chưa từng đi Hàn Quốc thì việc ký quỹ 100 triệu đồng quả là sức ép, gánh nặng lớn với lao động và gia đình các lao động”- chị Hạnh nói.

Theo thông tin NTNN có được thì cả 35 lao động này đều phải tự lo tiền ký quỹ bởi thời gian quá gấp, không thể làm thủ tục vay ngân hàng.

Giải pháp gỡ nút thắt

Ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết: “Từ đầu năm tới nay đã có 2.667 lao động trung thành và lao động về nước đúng hạn được trở lại Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, đây là 35 lao động đầu tiên (trước đây đã về nước đúng hạn) thực hiện ký quỹ trước khi xuất cảnh”.

"Nếu 1 năm trước đây tỷ lệ lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là trên dưới 60%, thì hiện nay thông tin từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã giảm xuống còn 45,9%. Với những tín hiệu tích cực trên, hy vọng thời gian ngắn nữa hiệp ước thỏa thuận đặc biệt đưa lao động mới sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS sẽ được ký lại”.
Ông Phan Văn Minh

Đồng cảm trước những khó khăn của lao động, ông Minh khẳng định trung tâm đã cố gắng hết sức, phối hợp cụ thể với các địa phương để việc làm thủ tục ký quỹ được thuận lợi nhất. Thế nhưng, ông Minh thừa nhận: “Có thể với lao động trung thành, lao động về nước đúng thời hạn thì đây không phải là vấn đề lớn, nhưng với lao động đi mới thì 100 triệu đồng đúng là khoản tiền lớn”.

Theo Thông tư 31, những lao động thuộc diện nghèo sẽ được vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ (và ký quỹ tại chính ngân hàng này). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% số lao động được khảo sát (trong tổng gần 12.000 lao động vừa qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2012) thuộc diện được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách. Số còn lại có thể vay theo đường tự do, hoặc vay vốn ở bất cứ ngân hàng nào nhưng thủ tục ký quỹ đều sẽ được thực hiện ở Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Theo Bộ LĐTBXH, Chương trình EPS dành cho lao động mới vẫn chưa được nối lại. Việc ký quỹ là giải pháp mạnh được áp dụng để giảm thiểu lao động bỏ trốn.