Dân Việt

Vụ nuôi gián đất ở Bắc Ninh: Sở KHĐT cố tình đánh tráo khái niệm

Lê Hân 08/04/2014 06:55 GMT+7
"Không thể vì người ta làm sai, mà anh nói là cái việc cấp phép sai của mình trở thành đúng được. Đây là một sự đánh tráo khái niệm của Sở KHĐT Bắc Ninh" - LS Trịnh Anh Dũng (Văn phòng LS Trịnh - Đoàn LS TP.Hà Nội) bình luận.

Liên quan đến vụ nuôi gián đất ở Bắc Ninh như Báo Dân Việt - Nông thôn Ngày nay đã thông tin trước đó, mới đây ngày 3.4, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) Bắc Ninh có báo cáo lại vụ việc và khẳng định việc cấp phép của mình là không sai. Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt, cả đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cũng như giới luật sư đều khẳng định, việc cấp phép này là sai ngay từ đầu.

Hiểu sai nghiêm trọng quy định của pháp luật

Tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KHĐT Bắc Ninh) cấp cho Công ty cơ khí thương mại Hoàng Hiệp (đăng ký thay đổi lần 2 ngày 3.12.2013) có trụ sở tại thôn Quảng Bố, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) do ông Nguyễn Đình Nguyên làm Giám đốc, phần Ngành nghề kinh doanh, tại mục 11 có ghi “Chăn nuôi khác: Chăn nuôi con gián đất”. Người ký giấy đăng ký kinh doanh là ông Phạm Khắc Nam - Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KHĐT Bắc Ninh). Chính từ giấy phép này, ông Nguyễn Đình Nguyên đã tiến hành đầu tư mua giống (trứng gián), xây dựng chuồng trại để nuôi con gián đất.

Giải thích cho việc vì sao lại cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trong đó có mục nuôi con gián đất), trong báo cáo ngày 3.4.2014 của mình với lãnh đạo Sở KHĐT Bắc Ninh, ông Phạm Khắc Nam lý giải: “Ngành, nghề kinh doanh 0149 - Chăn nuôi khác không nằm trong Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh quy đinh tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định 102/2010-NĐ-CP ngày 1.10.2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Trong ngành nghề này, có bao gồm cả nuôi côn trùng.

Vì côn trùng là danh từ chung, con gián đất chỉ là một loài côn trùng nên khi doanh nghiệp lập hồ sơ bổ sung ngành, nghề và đề nghị ghi chi tiết mã ngành 0149 - Chăn nuôi khác (chăn nuôi con gián đất), cán bộ đã tiếp nhận hồ sơ. Đối chiếu với những quy định về cách ghi ngành, nghề kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp đăng ký kinh doanh ngành, nghề này cho doanh nghiệp là không trái với quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp”. (Hết trích).

Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Về việc cấp phép của Sở KHĐT tôi không bình luận. Song không thể chỉ dựa vào quy định chung là nuôi côn trùng mà suy ra là được nuôi cả gián đất được. Bởi côn trùng thì có cả côn trùng có lợi và côn trùng có hại, có côn trùng cộng sinh và côn trùng ký sinh. Cho nên, không thể chỉ dựa vào mỗi quy định theo Luật Doanh nghiệp được chăn nuôi cả côn trùng mà suy ra con gián đất cũng được nuôi”.

Theo ông Trọng, thực tế gián (trong đó có gián đất) là một loài có hại, vì thế Bộ Y tế đã công bố các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng tại Quyết định 07/QQĐ-MT ngày 17.1.2012, trong đó có tới 4/10 chế phẩm dùng để diệt gián. “Nếu gián có lợi thì vì sao Bộ Y tế lại phải công bố chế phẩm để diệt”, ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, việc hiểu Nghị định 102 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, trong đó có quy định được nuôi côn trùng là sai. Bởi nếu cứ thế, thì nuôi con côn trùng gì cũng được hay sao, vậy thì cần có những quy định của Bộ NNPTNT để làm gì. Trong pháp luật, luật này phải ràng buộc với luật kia, dưới luật lại còn có các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Nếu không như thế, anh cấp phép cho nuôi con gì cũng được sao. Nếu ai cũng cấp phép cho nuôi côn trùng được thì loạn lên mất.

Ồng Trọng cũng cho biết: “Trong mỗi ngành, nghề kinh doanh lại có những văn bản hướng dẫn riêng. Theo đó, trước khi cấp phép cho ngành, nghề nào đó phải có tờ trình xin ý kiến của các ngành chuyên môn về lĩnh vực đó. Ngay như Bộ NNPTNT là Bộ chuyên ngành về nông nghiệp, nhưng khi có những sự việc liên quan đến vật nuôi ngoại lai, chúng tôi cũng đều phải xin ý kiến của Cục Đa dạng sinh học (Bộ TN-MT). Đáng lẽ, trong sự việc này trước khi cấp phép Sở KHĐT Bắc Ninh cần xin ý kiến của Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở NNPTNT Bắc Ninh hoặc Viện Bảo vệ thực vật để họ tư vấn cho”.

Sở KHĐT Bắc Ninh đang né tránh sự thật

Chính vì được Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT Bắc Ninh cấp phép cho nuôi con gián đất, nên ông Nguyên và một số hộ gia đình mới nuôi con gián đất. Thế nhưng sau khi Bộ NNPTNT có văn bản số 810/BNN-CN ngày 7.3.2014, khẳng định việc nuôi con gián đất là không được phép, tới ngày 18.3.2014, Sở KHĐT Bắc Ninh mới ra Thông báo yêu cầu doanh nghiệp ngừng và xóa bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện cụ thể là chăn nuôi con gián đất.

Đặc biệt, cũng trong báo cáo của mình, ông Phạm Khắc Nam đã đổ hết lỗi cho phía người chăn nuôi, khi cho rằng: “Theo quy định Pháp lệnh giống vật nuôi, con gián đất là sinh vật mới, nằm ngoài Quyết định số 67/2005/QĐ-BNN ngày 3.10.2005 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT ban hành Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh, khi doanh nghiệp tổ chức nuôi thì chỉ được nuôi khảo nghiệm và trước khi nuôi phải được sự đồng ý của Bộ NNPTNT. Đó chính là điều kiện kinh doanh sau khi doanh nghiệp được cấp bổ sung ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Sau khi được cấp bổ sung ngành, nghề đăng ký kinh doanh, công ty không xin phép Bộ NNPTNT… Do vậy, việc doanh nghiệp tự tổ chức sản xuất, kinh doanh không xin phép Bộ NNPTNT là trái với quy định của pháp luật…”. (Hết trích).

Phân tích về vấn đề này, luật sư (LS) Trịnh Anh Dũng (Văn phòng LS Trịnh - Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết: “Về việc Sở KHĐT Bắc Ninh cấp phép cho nuôi gián có theo đúng quy định hay không, thì cần phải căn cứ theo đúng quy định của pháp luật, mà theo như trả lời của Bộ NNPTNT thì không được nuôi gián đất. Ở đây, có thể do Sở KHĐT Bắc Ninh cập nhật không đầy đủ hoặc có thể họ cố ý hoặc vô ý làm sai”. Theo LS Trịnh Anh Dũng, việc cấp phép ở đây phải phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, quy định của pháp luật thì có cả các văn bản dưới luật, chứ không thể chỉ căn cứ vào một luật (Luật Doanh nghiệp) được. Nếu thế thì cần phải có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm gì?

Vấn để ở đây của Sở KHĐT Bắc Ninh, theo LS Dũng có thể do họ đang né tránh sự thật của câu chuyện, họ đang cố tình đánh tráo khái niệm theo cách luật bảo A thì hiểu là B. LS Dũng khẳng định: “Đúng là khi cấp phép thì doanh nghiệp phải có đủ điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn như anh muốn kinh doanh karaoke, thì sau khi được cấp phép anh phải đảm bảo đủ các điều kiện. Nhưng đó là ngành, nghề đã được phép kinh doanh. Còn ở đây, chăn nuôi, buôn bán con gián đất là ngành, nghề không được phép kinh doanh. Chính vì thế, do Sở KHĐT cấp phép sai từ đầu đã dẫn tới người dân cũng làm sai theo”.

Do đó, theo LS Dũng: “Không thể vì người ta làm sai, mà anh nói là cái việc cấp phép sai của mình trở thành đúng được. Đây là một sự đánh tráo khái niệm của Sở KHĐT Bắc Ninh”.

Sợ bồi thường nên không dám nhận sai?

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đình Nguyên - Giám đốc Công ty cơ khí thương mại Hoàng Hiệp cho biết: “Ngay sau khi gia đình tôi tự nguyện tiêu hủy gián đất, tôi đã liên hệ với Sở KHĐT đề nghị họ có giải pháp bồi thường cho gia đình tôi. Song từ đó cho đến nay, Sở KHĐT đại diện là ông Ngô Tân Phượng- Phó Giám đốc và ông Phạm Khắc Nam- Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh chỉ về làm việc với UBND xã và tôi có đúng một lần để… giải tỏa căng thẳng. Sau đó, tôi đã nhiều lần lên Sở để làm việc thì ông Nam vẫn khăng khăng khẳng định, đã làm đúng quy định. Nếu không được giải quyết, tôi đang tính sẽ làm đơn kiện ra tòa”.

Trước đó, trả lời phóng viên Dân Việt ngày 20.3, ông Ngô Tân Phượng - Phó Giám đốc Sở KHĐT cho biết: “Để con gián đất của Trung Quốc “lọt” vào nuôi ở tỉnh, Sở cũng đã nhận thấy trách nhiệm không đúng của mình trong việc để cán bộ kém hiểu biết ký duyệt cấp phép cho người dân nhân nuôi loại côn trùng nguy hiểm này”.

Ông Phượng cũng cho hay: “Trước khi xác nhận cho giấy phép đăng ký kinh doanh, một số cán bộ của phòng đăng ký kinh doanh đã chưa tìm hiểu sâu về chuyên môn, do anh em không hiểu rõ về côn trùng và vật nuôi nên đã cấp phép, họ cũng không biết là con gián đất chưa có trong danh mục vật nuôi được phép nuôi”.

Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng cũng cho rằng: “Khi đã làm sai cái gì đó, thì phải dũng cảm nhận sai. Như Bộ NNPTNT lần trước có ban hành Quyết định công nhận con chồn nhung đen (vì có trong danh mục của FAO), nhưng sau khi xin ý kiến của Bộ TNMT, họ trả lời tại một số nước con chồn nhung đen được xác định là loài ngoại lai xâm hại, nên ngay sau đó đích thân Bộ trưởng đã yêu cầu phải ban hành Quyết định thu hồi, mà quyết định đó là do tôi trình. Sau khi sai tôi đã thừa nhận trách nhiệm. Đến Bộ NNPTNT còn phải sửa sai, thì với Sở KHĐT việc sửa sai này cũng không có gì quá khó”.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ việc này.

Tóm tắt diễn biến vụ việc nuôi gián đất

+Ngày 3.12.2013, một số cá nhân trên địa bàn 2 huyện Gia Bình và Lương Tài đã Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT Bắc Ninh cấp phép cho chăn nuôi và buôn bán con gián đất.

+Ngày 31.12.2013, đại điện Sở NNPTNT Bắc Ninh và chính quyền địa phương đã có buổi làm việc với các gia đình nuôi gián đất và yêu cầu không được nhân rộng, phát tán ra môi trường.

+Ngày 8.1.2014, Sở NNPTNT Bắc Ninh đã có công văn gửi Bộ NNPTNT xin ý kiến về mô hình nuôi gián đất trên địa bàn.

+Ngày 7.3.2014, Bộ NNPTNT đã có công văn trả lời yêu cầu xử lý nghiêm việc tự ý nuôi và buôn bán gián đất.

+Ngày 14.3.2014, Báo Dân Việt- Nông thôn Ngày nay là báo đầu tiên có bài viết đăng tải về vụ việc với tiêu đề “Kinh hãi nuôi… gián đất”.

+Ngày 18.3.2014, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn yêu cầu xử lý việc nuôi gián đất. Cũng ngày, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT Bắc Ninh đã có thông văn thông báo yêu cầu doanh nghiệp ngừng và xóa bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện cụ thể là chăn nuôi con gián đất.

+Ngày 20.3.2014, UBND huyện Lương Tài ra thông báo về việc tiêu hủy gián đất và các hộ đã đồng ý tự nguyện tiêu hủy toàn bộ gián đất và dụng cụ chăn nuôi con gián đất.