Dân Việt

Bình Định: Nan giải tiêu chí môi trường

Nguyên Phương 06/01/2014 11:17 GMT+7
So với các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bình Định đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai hoàn thành tiêu chí về môi trường.
Nguyên nhân là do thói quen vứt rác bừa bãi, cộng với ý thức chung về môi trường của người dân chưa cao.

Còn nhiều “điểm nóng” môi trường

Xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn được chọn làm xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM. Sau hơn 2 năm rưỡi triển khai thực hiện, xã đã đạt 11/19 tiêu chí và đang phấn đấu thực hiện đạt 8 tiêu chí còn lại. Tuy nhiên, việc hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường đang là một trở ngại đối với xã.

Trong 5 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, xã chỉ đạt 2 chỉ tiêu là xây dựng nghĩa trang tập trung và tỷ lệ hộ dùng nước sạch, còn 3 chỉ tiêu: Các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và các hoạt động phát triển ô nhiễm môi trường xanh, sạch, đẹp; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo môi trường đều không đạt.

Bãi rác tự phát trước cổng chợ Hoài Hương đã tồn tại hơn 10 năm nay.
Bãi rác tự phát trước cổng chợ Hoài Hương đã tồn tại hơn 10 năm nay.

Một bằng chứng khá rõ là, trước cổng chợ Hoài Hương hiện có một bãi rác lớn bốc mùi hôi thối hàng ngày. Ông Nguyễn Minh Tới, nhà ở gần bãi rác tự phát, bức xúc: “Đây không phải là nơi quy tập rác, nhưng cả Ban quản lý chợ lẫn tiểu thương đều đem rác ra đổ. Rác chất cao thành đống, nhưng khoảng một tháng mới thấy có xe tới thu dọn. Dọn xong, người dân lại tiếp tục đổ, cứ thế hơn chục năm nay, gần 20 hộ dân ở khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Không chỉ xã Hoài Hương, nhiều địa phương khác ở huyện Hoài Nhơn như Tam Quan Bắc, Hoài Xuân, Hoài Đức, Hoài Hảo… cũng cùng chung thực trạng. Tại xã Tam Quan Bắc, dù có dịch vụ thu gom rác thải hoạt động khá hiệu quả, nhưng nước thải từ hoạt động thu mua, chế biến thủy sản cùng với nước thải đọng của các tàu thuyền cập bến cá, nước thải sinh hoạt dân cư xả xuống sông Thiện Chánh tạo thành những vùng nước đen, bốc mùi hôi tanh khó chịu, gây ảnh hưởng môi trường trầm trọng.

Bên cạnh đó, việc người dân nuôi thả rông gia súc, gia cầm phóng uế bừa bãi cùng với tình trạng giết mổ trong khu dân cư cũng là vấn đề nan giải của nhiều địa phương. Bà Nguyễn Thị Thủy, ở thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước cho biết: “Không những túi đựng rác sinh hoạt hàng ngày mà cả túi đựng xác súc vật chết, túi phế thải giết mổ xúc vật cũng trôi lềnh bềnh trên dòng kênh Lục Lễ”.

Nâng cao ý thức của người dân

Ông Mai Khương Dược - Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hương cho biết: “Hiện tại, xã đang chọn Gò Cồn tại thôn Thiện Đức làm nơi xử lý rác thải cho cả xã. Đồng thời, vận động mỗi hộ gia đình có hố rác xử lý, dùng ống bi thu gom rác thải, sau đó dùng biện pháp thích hợp để tiêu hủy. Mới đây, xã đã huy động nguồn lực mở dịch vụ thu gom và xử lý rác thải tập trung ở 3 thôn vào thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần, với mức phí 17.000 đồng/tháng”.

"Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 3 xã: Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh (huyện Phù Cát) là đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM”.

Ông Phan Thành Giản

Theo ông Phan Thành Giản - Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Bình Định, để tiêu chí môi trường sớm đạt được, trước hết cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến nhân dân để thay đổi tập quán về thu gom, đổ rác.

Đặc biệt, các địa phương cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường…

Ông Giản cũng cho rằng: “Chúng ta cần phát huy và nhân rộng các mô hình như gia đình thân thiện với môi trường, vệ sinh xử lý rác thải hộ gia đình, tổ phụ nữ tự quản tham gia bảo vệ môi trường, con đường tự quản… để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế mà thực hiện các biện pháp phù hợp để xóa các điểm ô nhiễm”.