Hội nghị với sự tham dự đại diện các nước trong lưu vực sông Mê Kông (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia), 2 nước đối tác đối thoại là (Trung Quốc, Myanma) và hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh lưu vực sông Mê Kông đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Nhu cầu gia tăng về tài nguyên cho các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có nhu cầu năng lượng và lương thực đã tạo nên áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan và môi trường sinh thái trong lưu vực sông.
Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao lần hai của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế ngày 5.4 tại TP.HCM.
Đặc biệt hiện nay dòng chảy lưu vực sông Mê Kông bị suy giảm nhiều. Những tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn, cấp thiết hơn trong bối cảnh các quốc gia ven sông tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để ứng phó với những thách thức trên, bên cạnh nỗ lực của mỗi quốc gia, cũng cần tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt giữa các quốc gia ven sông, cả ở thượng nguồn và hạ nguồn, thông qua những cơ chế đa phương, cơ chế tiểu vùng như Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Thủ tướng kêu gọi các nước chung tay hợp tác vì sự phát triển bền vững của cả khu vực. Trong đó tập trung vào 5 vấn đề lớn gồm: Tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mê Kông 1995 cũng như các thủ tục, quy định của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước; Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Nguyên tắc Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước thông qua việc thực hiện các kế hoạch hành động của quốc gia và vùng trong giai đoạn 2016 – 2020; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo của Ủy hội, trong đó tập trung và ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành Nghiên cứu chung của về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mê Kông, bao gồm cả nghiên cứu các tác động từ các dự án thủy điện dòng chính; Tăng cường vai trò giám sát, điều phối của Ủy hội trong triển khai thực hiện cam kết của các nước thành viên về hợp tác quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước chung sông Mê Kông, củng cố và hoàn thiện các cơ chế pháp lý khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển bền vững, công bằng và hợp lý tài nguyên nước; Mở rộng quan hệ hợp tác giữa Ủy hội và các nước đối tác, khuyến khích sự tham gia và tham vấn giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực vì sự phát triển bền vững của lưu vực.
Thông qua Hội nghị, Thủ tướng cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển để giúp triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Ủy hội trong giai đoạn tới.