Sau gần nửa tháng hoành hành, đợt giá rét bắt đầu từ ngày 15.12 vẫn chưa thật sự chấm dứt và những thiệt hại mà nó gây ra đã làm hàng chục ngàn hộ nông dân ở các tỉnh Tây Bắc trắng tay.
Thiệt hại lớnKhông chỉ ở vùng bị băng tuyết nặng tại tỉnh Lào Cai; các địa phương khác như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên... đều bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi giá rét và sương muối.
Cả ngàn ha cà phê ở Sơn La đang bị sương muối tàn phá.
Đến thăm các hộ nuôi ong lấy mật ở phường Chiềng Sinh, TP.Sơn La và xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, Sơn La - nơi hội tụ đông nhất những hộ nuôi ong của tỉnh Sơn La, chúng tôi thấy những dãy chuồng ong đã được phủ bạt kín mít, thắp điện sưởi ấm suốt ngày đêm... “nhưng ong vẫn chết hết.
Cứ sau mỗi đêm là lại thấy xác ong chết dày mặt đất. Nhà tôi hơn 200 đàn ong, chỉ chục ngày qua đã chết tới hơn 100 đàn, thiệt hại mấy trăm triệu đồng. Các hộ nuôi ong khác cũng vậy thôi. Coi như năm nay dân nuôi ong sạt nghiệp. Thiệt hại của người nuôi ong chưa được hỗ trợ bao giờ”-ông Ngô Xuân Kiếm ở phường Chiềng Sinh ngậm ngùi nói khi đưa phóng viên đi thăm đàn ong với những dãy chuồng trống rỗng.
Tiêu biểu cho sự thiệt hại “trời giáng” ấy là tại các huyện Thuận Châu, Mai Sơn và TP.Sơn La của tỉnh Sơn La, không chỉ có mấy trăm con trâu, bò, lợn bị chết trong giá rét, mà cả ngàn ha cây cà phê, hoa, rau đang có nguy cơ bị xoá sổ bởi sương muối trong mấy ngày qua. Những nương cà phê xanh tươi ngút mắt, đang kỳ cho thu hoạch quả, nay trở nên vàng vọt, héo rũ, lá khô xào xác trong gió heo may. Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì đến nay tỉnh Sơn La đã có gần 1.000ha cây cà phê bị táp lá, bị cháy do sương muối. Gần 1.000 hộ dân trồng cà phê đang khốn đốn vì mất nguồn thu hoạch.
Chưa biết sống bằng gì...
Đến bản Nam xã Hua La, TP.Sơn La - nơi thiệt hại do sương muối gây ra nặng nề nhất tỉnh, chúng tôi gặp một phụ nữ đeo khăn tang trắng đang đứng ngẩn ngơ giữa vườn cà phê lá khô một màu nâu sậm. Đó là bà Lò Thị Xương- chủ của hơn 2ha cà phê đang bị khô táp lá do sương muối.
Gạt dòng nước mắt trên khuôn mặt héo hon, bà bảo: Chồng tôi mới chết được ít ngày, nỗi đau mất người thân chưa kịp nguôi ngoai thì tôi chịu thêm nỗi đau mất tài sản. Cả vườn cà phê rộng lớn thế này, bao công sức của vợ chồng tôi vun vén nhiều năm, nay cứ héo quắt ra, khô lại, chết dần từ lá xuống gốc, không thể nào cứu được. Bao nhiêu quả xanh non chưa kịp thu hoạch giờ cũng mất tong. Sao trời giáng hoạ xuống nhà tôi nhiều thế!
"Chỉ tính riêng vụ thu hoạch này, gia đình đã thiệt hại mấy trăm triệu đồng. Sang năm và những năm tiếp theo chưa biết lấy gì mà sống?”. Anh Quàng Văn Ón
|
Cách nhà bà Xương chừng 500m, gia đình anh Quàng Văn Ón đang mở đầu cho đợt “ra quân” phá nương cà phê của dân bản Nam. Anh Ón bảo: Nhà tôi đầu tư 5ha cà phê, năm nay đang vào vụ thu hoạch, số quả thu được mới đạt 30% so với những vụ trước thì sương muối đến (ngày 17, 18.12). Thế là lá cây cứ héo rũ, quả rụng đầy gốc rồi chết khô từ từ. Chỉ tính riêng vụ thu hoạch này, gia đình đã thiệt hại mấy trăm triệu đồng. Nhưng bây giờ phải phá bỏ nương cà phê này, cắt ngọn để nó nảy mầm vụ sau. Sang năm và những năm tiếp theo chưa biết lấy gì mà sống?
Dù trời vẫn rét căm căm, chị Quàng Thị Bóng địu cả đứa con nhỏ ra nương chặt cây cà phê cùng với chồng và người làm thuê. Nghe hỏi về mức thiệt hại do sương muối, chị bật khóc: Mất nguồn thu quả vụ này đã mất 500-600 triệu đồng, lại công thuê người chặt phá cây, công tủ gốc tránh sương muối, chăm bón mấy năm tiếp theo để khôi phục vườn...