Dân Việt

Thiếu nguyên liệu chế biến rau quả XK: Nỗi lo của các doanh nghiệp

20/05/2013 10:49 GMT+7
(Dân Việt) - Trong gần 5 tháng đầu năm nay, rau quả nước ta đã có mặt tại 50 thị trường trên khắp thế giới. Song giữa lúc thị trường xuất khẩu tốt như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) rau quả lại đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu chế biến.

Chinh phục nhiều thị trường “khó tính”

Ông Huỳnh Quang Đấu- Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm rau quả An Giang phấn khởi cho biết, trong 4 tháng đầu năm, công ty xuất khẩu được hơn 4.000 tấn rau quả các loại, đạt 5 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

img
Thanh long là một trong những mặt hàng nông sản Việt Nam được ưa chuộng trên thị trường thế giới.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ và EU với các sản phẩm chính như bắp non, đậu nành, rau, dứa đóng lon… “Sản phẩm rau quả của Việt Nam (VN) hiện đã có mặt trên 50 thị trường trên thế giới”- ông Đấu cho biết thêm.

Tương tự, ông Trần Ngọc Hiệp- Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) chia sẻ, sản lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm ở công ty ông tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tăng mà giá trị cũng tăng. “Giá xuất khẩu thanh long hiện khoảng 1,3 – 1,6 USD/kg, tăng 30% so với cùng kỳ. Triển vọng xuất khẩu trái thanh long đang rất tốt.

Tốc độ tăng bình quân của xuất khẩu rau quả trong 2 năm 2011 và 2012 là hơn 35%/năm, trong đó năm 2011 tăng 38%, ngành rau quả VN kỳ vọng năm 2013 sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu mới, đạt 1 tỷ USD.

Ngoài các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, EU, Indonesia, Thái Lan..., trái thanh long đang thâm nhập tốt vào các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật, New Zealand,… Bởi chúng ta đang xây dựng các vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn về vệ sinh thực phẩm nên người tiêu dùng rất an tâm” – ông Hiệp chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nga- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 2 cho biết, trung bình mỗi tuần hiện có khoảng 3.000 tấn rau quả xuất sang thị trường EU. Tương tự, những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng đã chấp nhận mặt hàng trái cây Việt Nam như chôm chôm, thanh long...

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu rau quả tươi và Chi cục cũng yêu cầu các đơn vị nên lấy hàng từ vùng trồng theo mô hình GAP để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Không dám nhận đơn hàng vì thiếu nguyên liệu

Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả VN ở thị trường nước ngoài vẫn rất lớn, đặc biệt là thị trường Nhật Bản và Australia. Do vậy, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng trưởng đáng kể.

Trái cây được xuất khẩu nhiều nhất là thanh long, bưởi… với giá rất cao. Hiện giá trái cây xuất khẩu và trong nước đều tăng mạnh chủ yếu là do nghịch mùa, trái cây thuộc cả loại ôn đới, nhiệt đới đều không có nhiều nên giá tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu- Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu rau quả Chánh Thu (Bến Tre), cho biết, hiện nhu cầu nhập khẩu trái cây VN ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc… mấy tháng nay đang tăng cao, đặc biệt trong những ngày nắng nóng vừa qua. “Từ giữa tháng 3 đến nay, nhiều đối tác ở Đức, Nhật… liên hệ qua điện thoại với tôi đặt vấn đề nhập khẩu trái cây nhưng tôi đâu dám nhận lời vì nguồn cung không có. Giá các loại trái cây như bưởi da xanh đã lên tới mức kỷ lục 65.000 đồng/kg mà vẫn không có hàng để xuất khẩu ”- bà Thu cho biết.

Theo TS Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, hiện chỉ có 2,5% lượng trái cây được sản xuất ra của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tương đương hơn 3 triệu tấn trong năm 2012 được DN mua trực tiếp của nông dân.

“Do vấn đề về năng lực đóng gói, chế biến xuất khẩu của DN còn rất hạn chế nên họ chỉ lo được cho những phần diện tích liên kết với nông dân. Điều đáng lo là, việc mua rau quả thông qua thương lái lại không đảm bảo các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu” – TS Lập chỉ ra.