Dân Việt

Người ngủ giường treo và 8 năm đi đòi công lý

Lương Kết 09/04/2014 07:12 GMT+7
Khi đang là một cửa hàng trưởng, ông bị vướng vào vòng lao lý, cuộc đời ngoặt theo một lối rẽ nghiệt ngã. Và sau quãng thời gian gần 8 năm không từ bỏ hy vọng, ánh sáng công lý đã đến với ông.
Khi đang là một cửa hàng trưởng, ông bị vướng vào vòng lao lý, cuộc đời ngoặt theo một lối rẽ nghiệt ngã. Trong những năm tháng khó khăn, một mặt ông gắng sức nuôi con ăn học, một mặt đeo đuổi vụ kiện đòi bồi thường oan sai. Và sau quãng thời gian gần 8 năm không từ bỏ hy vọng, ánh sáng công lý đã đến với ông...

Tai họa bất ngờ

Trong căn nhà rộng chưa đầy 12m2 trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Phạm Đức Bình (SN 1956) lần giở những trang tài liệu cho chúng tôi xem, mặt buồn rười rượi. Những trang tài liệu đã bạc phếch theo thời gian nhưng nó vẫn được ông gìn giữ cẩn thận. “Tôi ít khi tiếp khách ở nhà vì nhà chật hẹp quá. Căn nhà nhỏ này là của bố mẹ vợ để lại...” - ông Bình mở đầu câu chuyện. Dù chủ nhân ngôi nhà đã cố gắng sắp xếp đồ đạc gọn gàng nhưng chỉ nhìn lướt qua cũng đủ thấy cám cảnh cho một gia đình với 3 nhân khẩu.

Ông Phạm Đức Bình phát biểu sau khi được đại điện TAND TP. Hà Nội xin lỗi công khai ngày 4.4.
Ông Phạm Đức Bình phát biểu sau khi được đại điện TAND TP. Hà Nội xin lỗi công khai ngày 4.4.

Trước khi bị án oan, ông Bình và gia đình sinh sống trong một căn nhà khang trang rộng 88m2 ở khu Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Giữa lúc cuộc sống đang yên ấm, cửa hàng dịch vụ tổng hợp (Công ty Thi công cơ khí xây lắp) - nơi ông làm cửa hàng trưởng đang hoạt động thì tai họa bất ngờ ập tới. Năm 1997, ông Bình bị tai nạn giao thông, bục bàng quang, thập tử nhất sinh.

Được bệnh viện nỗ lực cứu chữa, ông bình phục trở về nhưng tai họa khác lại ập tới. Cũng trong năm 1997, ông bị công ty đình chỉ chức vụ và cửa hàng dịch vụ tổng hợp bị ngừng hoạt động để thanh tra. Một năm sau ông và bà Tạ Thúy Nga (kế toán cửa hàng) bị khởi tố. Ông cho rằng do kế toán làm sai mà ông phải chịu liên lụy.

Nhắc đến việc làm của người kế toán dưới quyền, ông Bình chia sẻ, hành vi của chị này thì không có gì phải bàn cãi và bản thân ông cũng bị nhân viên này “qua mặt”. Thời điểm ông bị tai nạn giao thông phải nằm bệnh viện, toàn bộ công việc kinh doanh ở cửa hàng ông không kiểm soát được. Và có lẽ chính vì vậy mà cô kế toán của ông được dịp “làm mưa, làm gió”. Suy đoán của ông thời điểm ấy cũng phần nào phù hợp với kết quả điều tra sau này.

Cụ thể, Tạ Thúy Nga được xác định là đã để ngoài sổ sách hơn 210 triệu đồng trong tổng số hơn 500 triệu đồng tiền vốn được cấp, và sau khi đối trừ các khoản chi tiêu hợp lý, số tiền bị “bốc hơi” lên đến hơn 48 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt ông Phạm Đức Bình 30 tháng tù về 2 tội danh tham ô tài sản và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Còn Tạ Thúy Nga bị tuyên 24 tháng tù cho hưởng án treo về tội tham ô tài sản.

Từng muốn tự tử...

Ông Bình khẳng định, phiên toà xét xử ông ở cấp sơ thẩm rất thiếu thận trọng, thiếu khách quan vì đã “hình sự hóa vụ việc dân sự”, chính vì thế ông đã kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 08 ngày 5.1.2001 của TAND Tối cao đã tuyên ông Bình không phạm tội tham ô tài sản và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, đình chỉ vụ án. Trở thành người vô tội nhưng ông Bình lại phải bước vào hành trình mới đi đòi bồi thường oan sai. Sau nhiều năm liên tục gửi đơn từ, đến tháng 10.2006, ông Bình nhận được thông báo của TAND Tối cao rằng ông thuộc trường hợp được bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

... Tạm gác lại những tình tiết của vụ án oan, ông Bình đột ngột chỉ tay ngược lên trần nhà bảo: “Cũng vì vụ án này mà bao năm nay, vợ chồng tôi phải nằm ngủ ở trong cái giường treo kia”. Ông Bình cho biết, ngày còn ăn nên làm ra, ông đã thuyết phục vợ con bán cả căn nhà ở phố Lò Đúc để “rót” vốn vào cửa hàng của công ty. Khổ nỗi, hồi đó đưa vốn vào, song lại không “danh chính ngôn thuận”, nên sau này khi xảy chuyện, vốn liếng của ông cũng mất theo. Thêm vào đó, ông còn phải bồi thường thiệt hại cho công ty nên căn nhà ở khu Cầu Bươu của gia đình ông bị tịch thu để thi hành án.

Để có tiền đeo đuổi việc khiếu nại trong nhiều năm liên tục và cũng để nuôi 3 con ăn học, ông Bình đã phải vay nợ khắp nơi. Hiện vợ chồng ông phải gánh nợ hơn 200 triệu đồng.

Cũng kể từ ngày vướng vào lao lý, nhà mất, tài sản tiêu tan, gia đình ông phải vất vả đi thuê trọ khắp nơi. “Ngay cả khi thành người vô tội thì kinh tế gia đình tôi vẫn khó khăn vô cùng. Công ty cũ thì không bố trí việc làm đúng chuyên môn nên tôi phải nghỉ. Tôi có gần 25 năm công tác, yêu cầu giải quyết chế độ họ cũng không thực hiện. Vợ tôi nghỉ mất sức, tôi đi bán bảo hiểm, thu nhập bấp bênh. Còn việc bồi thường đã rõ ràng, tôi đã gửi đơn nhưng TAND TP. Hà Nội vẫn im lặng hết năm này sang năm khác. Rơi vào bế tắc nhiều lúc tôi tuyệt vọng đã nghĩ đến cái chết để buông bỏ hết tất cả. Nhưng nghĩ lại, còn gia đình vẫn đang trông chờ vào mình nên không đành...” - ông Bình nghẹn giọng tâm sự.

Sau nhiều năm vất vả đi thuê nhà, đến năm 2009, thương gia đình con rể nheo nhóc, mẹ vợ ông đã gọi về cho ở nhờ căn nhà 12m2 của cụ. “Nhà chỉ bằng cái bàn tay, nhưng có tới cả đống người nên tôi đành phải thiết kế chiếc giường treo sát trần nhà để có thêm chỗ ngủ. Ngoài ra, tôi cũng phải thuê một chỗ khoảng 7m2 ngoài đê sông Hồng (bãi Phúc Tân) để tối ra đó ngủ” - ông Bình chua chát. Sau khi mẹ vợ mất, ông Bình mới trở về căn nhà 12m2.

Trong cái cảnh khốn cùng lại phải liên tục lo đơn từ khiếu nại, ông Bình và người vợ vẫn nuôi 3 cô con gái ăn học đại học đàng hoàng. Hai người con đầu hiện đã xây dựng gia đình, ra ở riêng. Người con út đang học ĐH Sư phạm Nghệ thuật T.Ư. “Đó là điểm sáng nhất của cuộc đời tôi” - ông Bình rạng rỡ khi kể chuyện về các con.

Sáng 4.4, tại trụ sở phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, TAND TP. Hà Nội đã tổ chức xin lỗi công khai người bị kết án oan Phạm Đức Bình. “Tôi mong ở đất nước mình không ai bị vướng vào án oan như tôi, án oan khổ lắm, kể làm sao hết được” - ông Bình nói tại buổi lễ. Ông đề nghị được bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng (trước đây đề nghị là 861 triệu đồng). Mức yêu cầu bồi thường này của ông Bình chưa được TAND TP.Hà Nội nêu ý kiến, tới đây sẽ thương lượng giải quyết.

2 vụ án oan chấn động dư luận


Trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn trước khi bị tù oan 10 năm, gia đinh ông thuộc diện khá giả ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang. Khi ông Chấn vướng vòng lao lý (bị kết tội giết người) thì của cải trong nhà cũng ra đi theo những bước chân kêu oan của vợ ông. Đến nay, dù ông đã được công nhận vô tội nhưng gia đình ông phải gánh khoản nợ hơn 500 triệu đồng, tiền của ngân hàng và họ hàng cho vay.


Ông Lương Ngọc Phi được coi là nạn nhân của vụ án oan lớn nhất quê lúa Thái Bình. Năm 2013, ông Phi được TAND tỉnh Thái Bình bồi thường khoản tiền hơn 21 tỷ đồng - đây là số tiền rất lớn mà Nhà nước phải bồi thường cho người bị án oan. Tuy nhiên nó chưa thấm vào đâu so với những mất mát về mặt vật chất và tinh thần của ông Phi. Từ một giám đốc doanh nghiệp đang làm ăn tốt, ông Phi vướng vào lao lý, hàng chục năm trời phải đi kêu oan.