Dân Việt

Những mẹo cực hay để bảo quản thực phẩm thừa sau Tết

Yeutretho/Seatimes 03/02/2014 18:33 GMT+7
Ngày Tết, mọi người thường mua nhiều loại thực phẩm với lượng lớn nên sau Tết còn thừa nhiều. Vậy, bảo quản thế nào để thực phẩm vẫn giữ được độ tươi, tránh thiu thối, hư hỏng?

Đối với những thực phẩm để đông lạnh

Đối với các loại thịt, nên chia thực phẩm này thành những phần nhỏ vừa đủ ăn một lần, một bữa. Không nên để đóng đông nguyên phần thịt lớn để tránh làm rã đông cả tảng lớn mới có thể lấy ra một phần nhỏ

Cân xếp riêng các loại thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh.
Cân xếp riêng các loại thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh.

Đối với thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông thì phải dùng hết, không nên rã đông rồi lại cho vào đông lại. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm. Ưu tiên dùng trước thực phẩm đã mua trước bằng cách xếp những thực phẩm mới vào bên trong, những thực phẩm mua xếp bên ngoài để dùng trước.

Đối với thực phẩm tổng hợp

Mỗi loại thực phẩm - dù để trong tủ lạnh nhưng vẫn cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín để bảo đảm chất lượng thực phẩm, tránh nhiễm mùi của thực phẩm khác hoặc từ thực phẩm khác đối với thực phẩm đó. Một số thực phẩm như tôm, cá, mực khô... nên bọc kín bằng giấy bạc.

Ở những ngăn chứa thực phẩm tổng hợp, cũng nên phân loại: Ngăn trên để các loại thức ăn nhẹ như phô mai, trứng, sữa, bánh ngọt; ngăn kế tiếp để các loại thức ăn đã chế biến như thịt kho, giò chả…Tất cả thực phẩm để trong tủ lạnh cần được cho vào các hộp nhựa đậy kín hoặc bao kín bằng màng bao thực phẩm để tránh nhiễm chéo vi khuẩn từ các thức ăn khác.

Thực phẩm rau củ và trái cây

Rau tươi phải được ngắt bỏ lá úa, phần dập nát, hư hỏng, cắt gốc và cho vào bao nhựa xốp, cột chặt miệng. Trái cây cũng thế, nên được gói vào giấy báo trước khi cho vào bao xốp để giữ tươi lâu, hạn chế chín rục hàng loạt.

Vệ sinh tủ lạnh

Đối với thức ăn thừa, nên được nấu lại, để nguội mới cho vào tủ lạnh. Ngoài ra, để thực phẩm “sạch” hơn trong tủ lạnh, môi trường trong tủ lạnh cần phải bảo đảm sạch sẽ bằng việc làm vệ sinh tủ thường xuyên. Sau khi lau sạch, để khô, có thể dùng giấm, bã trà để khử mùi rồi mới xếp thực phẩm vào. Chỉ mở tủ lạnh khi cần thiết và khi mở cần đóng nhanh để tránh hao tổn điện và tránh các vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào thực phẩm chứa bên trong.

Đối với một số thực phẩm thường dùng

img

- Với các món nhắm như giò, chả, xúc xích, thịt nguội… còn thừa khi đãi khách, hôm sau bạn có thể làm món bánh mì kẹp. Tất nhiên hãy thêm ít cà chua, dưa chuột, bánh mì sandwich, rau diếp… món ăn được làm mới sẽ ngon hơn rất nhiều.

- Thịt các loại, hay rau củ còn thừa bạn có thể tận dụng để nấu canh, món hành hoặc cắt nhỏ thêm các loại rau cần thiết khác để nấu món súp, cháo để ăn sáng, ăn nhẹ vào bữa tối… vẫn ngon miệng mà cảm giác về món mới hoàn toàn khác.

- Thịt lợn, thịt bò không ăn hết, bạn có thể loại bỏ mỡ, da dễ gây ngấy, xay nhỏ để làm món xào hoặc nhồi đậu phụ, mướp đắng, dưa chuột hay làm nhân bánh…

- Nếu ngày tết nhà bạn có món cá rán, thay vì phải rán đi rán lại nhiều lần mà không ai cầm đũa, bạn hãy thêm ít cà rốt, mộc nhĩ, ớt ngọt… tất cả thái chỉ om cùng cá, nhớ nêm thêm chút xì dầu, phi tỏi để món cá sốt thơm ngon hơn.

- Khi trẻ ngán ăn các món quen thuộc, bạn có thể biến tấu để tạo cảm giác mới lạ. Như thêm vừng rang vào thịt xông khói rồi dùng rau xà lách cuộn lại. Thức ăn thừa thêm ít nấm, hành tây… xào lại hoặc dùng nấu bún, nấu mì quảng, mì tôm thậm chí là kết hợp cùng nhiều loại rau, lạc rang, dấm, chanh, ớt tỏi… để làm món nộm thập cẩm.