Đã nhiều ngày trôi qua, nhưng người dân xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo (Đăk Lăk) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết đau lòng của cháu Nguyễn Thị Hà (12 tuổi). Và xót thương cháu Hà bao nhiêu thì mọi người càng giận bố cháu bấy nhiêu. Bởi chẳng ai khác, cái chết của cháu Hà là do bố gây ra.
Mất bao tiêu đánh chết con
Chiều
31.12.2013, vợ chồng Nguyễn Văn Lam (34 tuổi- trú thôn 1 xã Ea Ral) về nhà thì
phát hiện bị mất bao tiêu khoảng 20 kg. Xót của, giận các con không nghe lời, bỏ
nhà đi chơi, Lam đã dùng dây lưng, thước kẻ, ống nhựa… đánh 3 đứa con gái của
mình.
Sau trận đòn của bố, Hà đã chết ngay trên giường giữa đêm đầu năm 2014 bởi chấn thương sọ não kín; cháu Nguyễn Thị Long (10 tuổi) bị rách một bên tai, mặt và hai bàn tay sưng vù còn cháu Nguyễn Thị Thúy (6 tuổi) sau nhiều ngày, một bên mặt sau nhiều ngày vẫn còn bầm tím sưng húp với nhiều vết rách sâu. Theo nhiều người kể lại, cháu Hà bị bầm đen từ đầu xuống dọc sống lưng.
Chẳng
phải nóng giận tức thời, mà Lam đã dùng dây trói cả tay và chân Hà lại để đánh.
Khi đứa út chịu không nổi trận đòn của bố, bỏ chạy sang hàng xóm thì liền bị
Lam chạy theo lôi về đánh tiếp. Điều đau lòng hơn dù bị bố đánh thừa sống thiếu
chết nhưng cả 3 đứa trẻ đều không dám khóc. Vợ của Lam, trước sự phẫn nộ của chồng
chẳng có động thái can ngăn. Và dù các
con bị thương tích rất nặng nhưng đêm đó vợ chồng Lam vẫn “bình chân như vại”
ăn cơm đi ngủ bình thường.
Ngoài cháu Long do tai bị rách hẳn ra, chảy nhiều máu nên được vợ Lam bôi ít thuốc đỏ, còn hai đứa trẻ kia dù một đứa sưng vù mắt, một đứa bầm tím cả đầu nhưng cả hai vợ chồng không hề nghĩ đến chuyện đưa các cháu đến bệnh viện. Mãi đến khi cháu Hà qua đời, cơ quan chức năng mới tìm 2 cháu còn lại (do được chú ruột đưa đi trốn) cho đi đi bệnh viện.
Đâu là căn nguyên?
Vợ chồng Lam vào Tây Nguyên đã được hơn 10 năm. Họ ngày ngày lam lũ với cuộc mưu sinh. Hơn 10 năm vật lộn, cuộc sống của gia đình họ giờ có thể nói đã có phần khá hơn. Song cái khó khăn nghèo khổ vẫn đang đeo đuổi họ. Mấy chục ký tiêu vừa bị mất trị giá chỉ chừng 3 triệu đồng, song với họ đó là một tài sản không nhỏ. Đấy là số tiền mà họ dự định để dành ăn Tết. Phải chăng đó chính là nguyên nhân khiến Lam “xuống tay” không thương tiếc với chính ruột thịt của mình?
Mẹ Lam nói trong nước mắt: “Nó là đứa ít học, không rượu chè chỉ biết làm ăn. Nó cũng chẳng phải là đứa cục cằn hay gây sự với người khác. Nhưng chẳng hiểu sao lại xảy ra cơ sự thế này”. Bà trách con dâu đã chẳng can ngăn chồng. Lẽ ra khi sự việc xảy ra thì đưa các cháu đi khám nhưng chị đã không làm thế.
Nhìn Long và Thúy vẫn đùa giỡn một cách vô tư với những vết thương khắp người sau trận đòn tơi tả của bố và cái chết của chị mà không khỏi xót xa. Nhưng điều chúng tôi đáu đáu hơn đó là vì sao những đứa trẻ kia thường xuyên bị hành hạ mà xóm giềng chẳng ai quan tâm?
Ông
trưởng thôn trách rằng, vợ Lam xấu tính, hay táy máy của người khác nên chẳng
ai ưa. Lại nữa gia đình Lam tự “cô lập” chính mình, đi về khóa cổng đóng cửa
nên cũng chẳng ai thèm ngó ngàng.
Trong câu chuyện của ông trưởng thôn, tôi cảm
nhận được rất rõ ràng nỗi cô độc của gia đình này. Thậm chí những đứa trẻ mỗi
khi về nhà cũng chỉ được nói chuyện với bạn bè qua lưới sắt. Xóm giềng thừa biết
chuyện vợ chồng Lam hay “hục hặc” với nhau và cả chuyện Lam rất hay đánh con.
Thế nhưng tại sao mãi đến khi có án mạng xảy ra thì các cơ quan chức năng như Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Hội phụ nữ các cấp mới biết và đến thăm? Phải chăng sự thiếu quan tâm của xã hội cũng là một nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của một đứa trẻ?
Sau cái chết của cháu Hà, chúng tôi chỉ nghe chính quyền địa phương lên án nặng nề hành vi của Lam. Còn trách nhiệm của xã hội đối với những đứa trẻ vô tội này chẳng thấy ai đề cập đến(!?)