Dân Việt

Từ ông bầu trở thành đạo diễn không qua trường lớp

Huyền Thơ (Dòng Đời) 05/01/2014 06:49 GMT+7
Sinh năm 1980 nhưng dường như ông bầu ca nhạc một thời Quang Huy, em trai nhạc sĩ Nguyễn Hà, đã trải đủ thăng trầm, nếm đủ thất bại và thành công.
Sau vài năm lặn mất tăm khỏi thị trường ca nhạc mà mô hình lăng xê “ông bầu – ca sĩ” không còn thịnh hành, Quang Huy bất ngờ xuất hiện trở lại với vai trò đạo diễn, nhà sản xuất phim chiếu rạp. Thần tượng, bộ phim đầu tay do anh viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất đã ra mắt khán giả cả nước và gây ngạc nhiên bởi khả năng kể chuyện duyên và đầy tính chuyên nghiệp của một người tay ngang. Huy phá lệ kín tiếng với báo chí, đã dành cho phóng viên một cuộc trò chuyện cởi mở.
img

33 tuổi, đã lập gia đình, có một con gái, làm chủ một doanh nghiệp giải trí có lúc hái ra tiền tỷ và xung quanh là những mối quan hệ khá phức tạp vốn rất đặc trưng của showbiz nhưng gương mặt Quang Huy vẫn chưa hết “búng ra sữa”. Chỉ khi nói chuyện, Quang Huy mới “khai” đúng tuổi của mình.

Chưa học gì trong trường lớp

Lâu nay anh được biết đến nhiều nhất với vai trò ông bầu của những ngôi sao ca nhạc thị trường đình đám nhưng bỗng dưng anh chuyển sang làm phim. Phim giờ đã xong, anh thấy sự khác nhau giữa sản xuất một bộ phim với một tác phẩm ca nhạc ra sao?

- Mọi người thường nói làm phim việc khó nhất là vào rạp nhưng tôi lại nghĩ chính vì khó nên lại trở thành lực đẩy tốt cho phát triển. Phim có làm ra hồn, có khách rạp mới nhận chiếu nên đầu tư 1 dự án phim cần phải nghiêm túc hơn một dự án âm nhạc hiện nay (đó là trong thời kỳ này chứ về sau chắc chắn làm âm nhạc cũng phải như vậy). Còn về mặt kinh doanh, cho dù rất khốc liệt nhưng là cái khốc liệt đáng để trải nghiệm, vì khi vào được hệ thống đó sẽ thấy nó khoa học hơn sản xuất âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, nếu phim có sự liên kết cao giữa hệ thống rạp và nhà sản xuất, phải cùng nhau chịu rủi ro thì âm nhạc cứ mạnh ai nấy làm, chẳng có sự liên kết nào cả, vì thị trường âm nhạc hiện nay thừa chất “chợ” nhưng lại thiếu những cái chợ đúng nghĩa, nơi có thể phân phối và kinh doanh sản phẩm âm nhạc 1 cách quy củ.

img

Anh không học khóa làm phim nào mà dám đảm nhận những vị trí quan trọng nhất, điều gì khiến anh tự tin vậy?

- Tôi chưa từng học bất cứ một lớp học nào liên quan đến những công việc tôi đang làm. Điều tôi học được từ bố mẹ và anh trai tôi, tôi theo các đoàn biểu diễn của bố, những chuyến làm phim của mẹ, và kiến thức âm nhạc từ anh tôi. Ngày bé, khi xem phim cùng mẹ thì mẹ khuyến khích tôi tranh luận chứ không áp đặt tư tưởng của bà lên tôi. Hay những va chạm từ việc kéo màn sân khấu cho đến ngồi ở bàn âm thanh trong các đêm diễn của bố, và anh tôi chính là người đã dìu tôi vào con đường trình diễn chuyên nghiệp. Cho đến vài năm trước, tôi thường mời các nhóm làm phim của Hàn Quốc về làm MV cho Wepro, đi làm thông dịch cho các đoàn Nhật, hợp tác với ê-kíp HongKong… Tất cả họ đều có thể trở thành thầy của tôi.

13 tuổi anh đã đi đánh đàn kiếm tiền, 21 tuổi trở thành ông bầu ca nhạc, những nghề đó anh cũng tự học?

- Tôi thấy trong mình có 2 yếu tố: gien và duyên. Gien thì từ gia đình, còn duyên cũng là do hoàn cảnh. Nếu đồ chơi của trẻ con thường là chiếc lồng đèn, cái xe đạp thì đồ chơi của tôi chỉ có cây đàn piano. Nhìn vào món đồ chơi duy nhất ấy đôi khi tôi chán thì tôi vào đài truyền hình đánh máy kịch bản cho mẹ tôi, theo đoàn làm phim hoặc cùng dựng phim với bà, không thì theo bố tôi đi tổ chức chương trình ca nhạc, táy máy làm chân kéo màn, lớn hơn 1 tí thì theo anh trai đi đánh đàn khắp nơi..., như thế là được chơi và đó cũng là những ngôi trường nặn nên tôi ngày khởi nghiệp.
img

Anh nghĩ sao nếu người ta nói chính sự học thiếu bài bản gây ra những thất bại nặng nề như anh đã từng trải qua, chính là giai đoạn mà Wepro hoàn toàn im lặng trong thị trường ca nhạc sôi động?

- Tôi không thất bại, doanh nghiệp nào cũng đến giai đoạn phải tái cơ cấu nếu muốn lớn lên. Và thời gian qua tôi làm công việc đó. Chúng tôi im lặng trên thị trường âm nhạc, và chuyển qua kinh doanh mảng tổ chức sự kiện để bảo đảm nguồn thu cho công ty. Và chúng tôi chuẩn bị một giai đoạn mới cho Wepro, trong đó có điện ảnh.

Tái cơ cấu luôn là một giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với 1 doanh nghiệp giải trí giàu cảm tính thiếu lý trí như chúng tôi. Sau khi chinh phục các mặt trận âm nhạc, tôi nhận ra việc chinh phục 1 kỷ lục trong sản xuất album hay lăng-xê 1 ca sĩ đã không còn là hứng thú hấp dẫn được tôi. Bây giờ hứng thú của tôi là tạo thành tích cho Wepro chứ không còn chỉ là cho Quang Huy nữa.

Nhìn lại từ hồi bắt đầu biết đi đánh đàn kiếm tiền năm 13 tuổi đến nay, tôi thấy tôi mạnh nhất là về mặt cảm xúc. Tôi thích những trò chơi cảm xúc, thích nhìn thấy người ta có cảm xúc dù là thích hay ghét, cười hay khóc. Với tôi trong cuộc sống cảm xúc là thứ rất quý, là thứ mà dù bạn có 100 tỷ bạn cũng không thể mua được. Trời cho tôi sự nhạy cảm để quan sát và biết cách làm thế nào cho người khác có cảm xúc, điều đó tôi đã đem vận dụng vào công việc, vì thế tôi luôn đứng ngoài những giải thưởng, nơi đề cao những giá trị khác ngoài cảm xúc. Tôi thích nhìn vẻ mặt của người khác thích thú khi dùng sản phẩm của tôi, hơn là nhìn thấy tôi lên sân khấu nhận giải.

2015 sẽ là điểm rơi của thị trường ca nhạc

Anh nghĩ sao về nhận định Wepro và ông bầu Quang Huy chuyển nghề làm phim vì “hết đất” ở thị trường ca nhạc và rằng vị trí của các ông bầu đã không còn trong thời điểm ca sĩ có thể tự lăng-xê mình với sự phát triển của công nghệ thông tin?


- Hoạt động của Wepro không chỉ có âm nhạc, mà điện ảnh cũng là 1 phần kế hoạch trong tương lai. Hiện nay, đúng là vai trò của các ông bầu đã xuống do tư tưởng thiếu chuyên nghiệp và tham lam của các “ca sĩ” mới thiếu trải nghiệm, thiếu kiến thức cho rằng làm ca sĩ thời nay chỉ cần có vài yếu tố rẻ tiền. Và ai cũng nghĩ rằng chỉ cần học hát vài tháng là thành ca sĩ, trong khi chẳng còn ai muốn làm những công việc thầm lặng phía sau 1 ca sĩ nữa. Vì thực ra họ không đam mê âm nhạc, mà mê nổi tiếng. Khi 100 ca sĩ đổ xô đi hát, mà chỉ có vài ông nhạc sĩ thì đương nhiên thị trường sẽ chẳng còn màu sắc gì. Về logic thì sẽ phải có lúc các ca sĩ cần đến ông bầu bởi chỉ những người không đủ kiến thức mới nghĩ rằng mình có thể tự làm mọi việc mà nên chuyện, trong khi thực tế là muốn thành cái gì đó thì phải có ê-kíp. Và Wepro sẽ không từ bỏ âm nhạc. Mặt khác, tôi chủ trương dừng hoàn toàn các hoạt động liên quan đến âm nhạc từ nay đến 2015.

Tại sao lại là 2015?

- Trong giai đoạn chuẩn bị cho bộ phim Thần tượng, tôi đã nhìn lại cách làm của bản thân mình và cách đi của thị trường âm nhạc hiện tại và tự hỏi: Cách làm của mình đã đúng hay chưa. Không có lý gì mà một đất nước 90 triệu dân, 22% là dân số 15-24 tuổi, tỷ lệ người được học đại học ngày càng cao, thiết bị nghe nhạc ngày càng hiện đại và rẻ mà thị trường ca nhạc lại không cung ứng được những sản phẩm tốt cho họ. Mặt khác, cả thế giới này chẳng ai làm sản phẩm âm nhạc bằng tiếng Việt để cạnh tranh với các nhà sản xuất nhạc trong nước, vậy tại sao những người làm nhạc như chúng tôi lại để khán giả Việt Nam mua vé qua Hàn Quốc coi show? Tôi cũng nhận định trong những năm vừa qua và hiện tại, nền kinh doanh âm nhạc đang trong giai đoạn cơ cấu lại. 2015 sẽ là điểm rơi tốt của một thị trường ca nhạc sôi động.

Nhưng thị trường đó thực sự là đang sôi động với sự xuất hiện của nhiều ca sĩ, tác giả trẻ, những dòng nhạc mới nhất theo trào lưu quốc tế cùng với số lượng show diễn có thể nói là “bùng nổ”. Anh nhìn thấy điều gì từ những biểu hiện này?


- Nhìn vào sự sôi động ấy, tôi thấy 3 mặt: Mặt tích cực là nền âm nhạc đang có một vỏ bọc long lanh hơn, mặt chưa tích cực là ruột của nó lại không khác gì âm nhạc cách đây 10 năm. Còn mặt tiêu cực là đã không khác gì mà còn đang mất đi những thứ có giá trị. Xem nhiều show bây giờ tôi thấy còn kém xa các live show diễn ra từ hơn 10 năm trước. So với live show Nghe mưa của nhạc sĩ Dương Thụ và Bảo Chấn, TopHits của Hải Âu, live show riêng của Thanh Lam, Mỹ Linh, Đan Trường, Lam Trường… hồi đó thì các live show hiện nay dù có nhiều công nghệ hỗ trợ với đèn đuốc, âm thanh, màn hình nhưng cái quan trọng nhất là cảm xúc thì thiếu hẳn. Ngày xưa dù còn sơ khai trong công nghệ tổ chức biểu diễn nhưng các chương trình có hồn, có rất nhiều cảm xúc. Mà "hồn" là thứ tuy không nhìn thấy bằng mắt nhưng ai cũng cảm thấy được, là thứ mà không ánh sáng, loa đài, màn hình LED nào có thể thay thế. Để tạo ra được hồn cho một chương trình thì không ai khác ngoài con người.