Dân Việt

Kéo điện lưới ra Cô Tô: Kỳ tích táo bạo

Gia Tưởng 01/01/2014 13:11 GMT+7
Không còn cảnh người dân phải trả 25.000 đồng cho mỗi kWh điện, hay du khách phải gánh thêm 300.000 đồng tiền điện cho mỗi phòng nghỉ một đêm...
Một dự án táo bạo đã hoàn thành cuối năm 2013: Kéo điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Từ đây, không còn cảnh người dân phải trả 25.000 đồng cho mỗi kWh điện, hay du khách phải gánh thêm 300.000 đồng tiền điện cho mỗi phòng nghỉ một đêm...

Kéo cáp vượt biển

Lần đầu tiên một dự án kéo điện của nước ta được thực hiện trên những địa hình khó khăn nhất, phức tạp nhất, đó là kéo điện vượt biển ra huyện đảo Cô Tô. Nhớ lại những ngày thi công cam go nhất, những người có trách nhiệm trong phần việc này như vẫn còn nguyên sự lo lắng nhưng họ rất tự hào. Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Xây dựng điện Thái Dương, một trong những nhà thầu của dự án điện Cô Tô với gói thầu số 8 được coi là hạng mục quan trọng nhất (có giá trị 531 tỷ đồng). Ông Thái cho biết: Trước khi thực hiện công đoạn chôn cáp thì từ cuối năm 2012, dự án đã tiến hành khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực có đường cáp chạy qua dài 23km từ Vân Đồn ra đến Cô Tô. Riêng phần thi công chôn cáp dưới biển chính thức giao cho Liên doanh nhà thầu Prysmian - Thái Dương (Italia) đảm nhiệm. Để bảo đảm tiến độ của dự án, quá trình sản xuất cáp ngầm được chia thành 3 công đoạn, thực hiện đồng thời tại 3 nước Italia, Tây Ban Nha, Na Uy, sau đó vận chuyển về Việt Nam.

Thi công cáp ngầm kéo điện ra đảo Cô Tô.
Thi công cáp ngầm kéo điện ra đảo Cô Tô.

Lúc bắt tay vào thi công chưa tìm ra phương án tối ưu nhất, vừa thi công vừa rút kinh nghiệm ở từng địa hình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sóng biển lúc nào cũng duy trì ở mức độ cấp 4 - 5. Đơn vị thi công đã chia tuyến cáp ngầm 23km thuộc gói thầu số 8 thành 4 tuyến: Cái Dài - Trà Ngọ, Bản Sen - Ba Mùn, Ba Mùn - Cô Tô, Cô Tô - Thanh Lân. Do bị ngăn cách bởi các đảo đá nên chiều dài các tuyến không đồng đều. Đặc biệt 3/4 tuyến có chiều dài ngắn, chưa đầy 3km, độ sâu đáy biển có đoạn chỉ đến 10m. Bên cạnh đó, 70% cấu tạo địa chất toàn tuyến là đá gốc rắn chắc. Riêng đoạn gần đảo Cô Tô (dài khoảng 1km) còn có lớp dày khoảng 5m là vỏ phong hoá đá gốc, sét pha cát phong hoá dạng dẻo cứng nên việc thi công ở khu vực này mất rất nhiều thời gian và vô cùng phức tạp.

Với cấu tạo địa chất như vậy, Liên doanh nhà thầu Prysmia - Thái Dương đã quyết định dùng sà lan rải cáp kết hợp với các phương tiện khác như robot cắt đá để xẻ mương cáp, máy hút bùn, máy bơm nước áp lực cao để thổi nước tạo thành rãnh... Tham gia việc rải cáp có hơn 50 cán bộ, công nhân, chuyên gia, thợ lặn, trong đó có 17 chuyên gia đến từ Indonessia (thuộc Công ty Nautic Maritime Salvage). Họ làm việc cật lực để đảm bảo tiến độ dự án, có những ngày thi công liên tục tới 18 giờ không ngừng nghỉ.

Đó là phần việc dưới biển, ngoài ra dự án còn áp dụng công nghệ kéo dây bằng khinh khí cầu trên những đoạn chạy qua rừng, qua núi đá cao trên đảo với chiều dài 35km, cùng một lúc có thể kéo được 4 sợi cáp khác nhau để rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo hoàn thành công trình với 350 ngày.

Mọi thứ đều rẻ nhờ điện


Những năm trước, Cô Tô còn ít được du khách tìm đến, vì giá cả tiêu dùng đều đắt đỏ - mà nguyên nhân là ảnh hưởng của giá điện quá cao. Nhưng ngay từ khi có điện, mọi thứ đã được điều chỉnh xuống một cách rất dễ chịu. Gặp lại tôi lần này, anh Nguyễn Mạnh Dũng - chủ cơ sở kinh doanh lưu trú Mai Lan phấn khởi khoe: Từ hôm có điện lưới đến giờ, nhà tớ khỏe hẳn, trước kia mỗi tháng sử dụng mất 20 triệu tiền điện mà vẫn chịu cảnh phập phù, nhưng giờ bình quân chỉ 7 triệu đồng/tháng, nhẹ cả đầu. Mọi thứ hàng hóa của gia đình bán giờ chỉ đắt hơn trong đất liền chút xíu vì mất cước vận chuyển thôi, phòng nghỉ trước kia từ 500-800 nghìn đồng vì mỗi đêm khách phải “gánh” hơn 300.000 tiền điện, thì nay hạ xuống còn khoảng 300.000 đồng/đêm. Không chỉ có vậy, ngay cả cân tôm, cân mực giờ cũng giảm giá xuống cả chục nghìn, vì mất rất ít tiền điện chạy máy bảo quản. Đúng là có điện ai cũng thấy dễ thở hơn.

Còn chủ xưởng chế biến sứa lớn nhất xã đảo Thanh Lân - ông Mai Công Đàm nhẩm tính: Trước kia, mỗi tháng vào vụ làm sứa nhà mình phải mua khoảng 120 triệu tiền dầu. Nhưng từ vụ sứa sắp tới, nhà mình chỉ phải chi khoảng 50 triệu tiền điện là cao nhất. 4 tháng làm sứa cũng tiết kiệm khoảng 150 triệu đồng chi phí. Mà có điện thì tiện đủ đường, không lo bị sứa hỏng, không phải sắm máy phát điện tốn kém mỗi vụ cả trăm triệu đồng. Từ bây giờ chúng tôi có thể hạ giá thành sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa dễ dàng hơn...

Điểm đến lý tưởng

Với sự kiện kéo điện thành công ra đảo Cô Tô sẽ tiếp thêm nguồn lực cho việc bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế của đất nước ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và nước ta nói chung.

Vô cùng phấn khởi trước cái tết đầu tiên toàn huyện đảo được hưởng điện lưới quốc gia, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành tâm sự: Xét về kinh tế, mỗi năm huyện tiết điệm được khoảng 7 tỷ đồng vì không phải trợ giá điện cho bà con nữa. Người dân cũng sẽ tiết kiệm được một số tiền tương tự như vậy. Có điện thì tình hình du lịch của đảo mới sáng lên được, cảnh dù có đẹp nhưng đêm xuống là đảo tối thui, dịch vụ vui chơi đóng cửa im ỉm thì làm sao mà giữ được chân khách du lịch. Giờ điện đã có, nước ngọt cũng đã được dự trữ đủ cho khách du lịch, dùng thoải mái, hải sản ở đây thì lúc nào cũng được đánh giá “tươi ngon nhất thế giới”, còn tấm lòng dân Cô Tô thì lúc nào cũng rộng mở. “Tôi tin với sự phát triển từng ngày này, chỉ trong tương lai gần Cô Tô sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế, chứ không phải là dạng tiềm năng từ trước tới nay” - ông Thành nói.

Còn Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu phấn khởi cho rằng, việc đưa điện ra Cô Tô thành công đã thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, táo bạo, nhất trí cao của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh, khiến người dân yêu đảo hơn và họ có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, vùng kinh tế tiền tiêu của Tổ quốc.