LTS: Trong năm 2013, nhiều phóng viên Báo NTNN đã được cử ra nước ngoài công tác để phản ánh những sự kiện, câu chuyện, nhân vật... của thế giới đến với độc giả. Đằng sau những chuyến đi là những câu chuyện thú vị, những ấn tượng khó quên, mà các phóng viên đã kể lại để bạn đọc cùng chia sẻ.Sáng 17.10.2013, tôi được lệnh của Ban biên tập lên đường sang Lào: “Đi ngay, làm vụ máy bay mới vừa rơi”.
Tai nạn máy bay xảy ra ở Lào vào chiều hôm trước và tôi cũng chỉ mới lướt qua thông tin trên mạng. Tôi chỉ kịp gọi với nhờ bà xã thu xếp hành lý rồi phóng thẳng xe đến cơ quan chờ lệnh.
PV Quốc Ngọc (trái) và Bộ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Lào Sommad Phonsena sau buổi họp báo sáng 21.10.2013 về vụ máy bay rơi tại Pakse, Lào.
Tôi đến thủ đô xứ Triệu Voi vào đêm hôm đó. Chọn nhà trọ sát nách sân bay, để kịp 5 giờ sáng 18.10 đáp chuyến đầu tiên của Lao Airlines đi Pakse, thủ phủ tỉnh Champassak. Như trong một bản tin tôi đã viết, thật trớ trêu khi phóng viên phải đến hiện trường vụ tai nạn trên cùng hãng bay, đường bay và máy bay ATR72 - cùng loại với máy bay vừa rơi.
Cảm nhận những nhịp rung lắc, nhấp nhổm của chiếc phi cơ hai cánh quạt trong giấc ngủ chập chờn, tôi mới thấy lời khuyên của anh bạn Lào mới quen khi quá cảnh ở Phnom Penh thật có lý:
“Thời tiết vẫn còn rất xấu cho đến chủ nhật, nên đi xe buýt đi”- anh Rattanavong Lat - nhiếp ảnh gia làm việc ở Vientiane - nói trong sợ hãi. Báo Nông Thôn Ngày Nay là cơ quan truyền thông Việt Nam duy nhất cử phóng viên sang trực tiếp đưa tin tại hiện trường bên cạnh ít nhất 4 đài truyền hình và hàng Chục tờ báo của Thái Lan, Lào, 3 phóng viên Trung Quốc và 2 Australia.
Suốt những ngày chạy tin từ bờ sông Mekong nơi máy bay rơi, đến nhà quàn xác nạn nhân ở chùa Trung Hoa
Pakse, rồi ngược lên điểm họp báo mỗi sáng tại khách sạn 5 sao Champassak Grand, các đồng nghiệp quốc tế thường “cười cám cảnh” cho tay phóng viên Việt Nam cưỡi xe máy tác nghiệp, trong khi họ toàn đi “xế hộp”. Tuy nhiên, tôi khá tự hào với kỹ năng điều khiển xe máy “nhuyễn như dân địa phương” - theo nhận xét của Yam, nữ phóng viên truyền hình người Thái.
Tôi còn may mắn khi thuê được phòng trọ ngay sau chùa Trung Hoa Pakse. Thế là rất thuận tiện để cập nhật thông tin, chỉ có điều ban đêm hơi “khó ngủ” vì không dám... tắt đèn...
Vừa được lệnh ở nhà cho “rút quân”, tôi đóng vội hành lý. Nhưng thật kỳ quặc, lục tung cả phòng mà không thấy vé máy bay Pakse - Vientiane đâu cả? Bực dọc, tôi nghĩ vẩn vơ hay đây là điềm cho biết nên đi xe khách mà về? Nhưng Laos Airlines đã mau chóng giải quyết để tôi có thể book lại vé với số hiệu chuyến bay là QV302.
Trong khi chuyến bay vừa lâm nạn là
QV301. Một thoáng rùng mình... Chưa hết, trước giờ bay 15 phút, chỉ vỏn vẹn có 5 hành khách trong phòng chờ. “Ôi trời, người ta chạy làng hết, không ai dám đi đường bay này nữa?” - tôi lại nghĩ. Đây là lần đầu tiên tôi sợ thật sự khi ngồi trên máy bay và không cách gì ngủ được…
Nhiều tuần lễ sau khi đã về nước, hình ảnh thi thể nạn nhân trong vụ này vẫn ám ảnh tôi. Họ nằm đó, đa số không toàn thây, chờ người thân đang tức tưởi cách đó chỉ một bức tường nhận diện. Tôi rùng mình nhiều lần với suy nghĩ ngổn ngang về sự sống và cái chết. Giữa những lúc tác nghiệp căng thẳng tại hiện trường tang tóc đó, tôi đã thèm ngay lập tức được hiện diện giữa vợ con, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp ở quê nhà.
Hiện diện ở mức sung mãn nhất, để ý thức đầy đủ rằng có nhau trong đời là món quà vô giá - điều mà trong cuộc sống và công việc thường ngày, ít khi ta nhận ra. Và trên hết, khung cảnh đầy nước mắt và mùi tử khí trên đất Lào, khiến ai cũng phải nhớ ra cần trân quý sự sống này biết bao...