Dân Việt

“Tăng quyền cho hiệp sĩ đường phố”: Chìa khóa bảo an?

Anh Đào 07/01/2014 10:04 GMT+7
UBND tỉnh Bình Dương vừa có quyết định “tăng quyền cho hiệp sĩ đường phố”. Các “hiệp sĩ” sẽ được tham gia bắt người có hành vi phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã; tham gia tuần tra giữ gìn trật tự tại địa phương và truy bắt tội phạm...
Tại sao phải có “hiệp sĩ đường phố” khi đã có lực lượng công an? Câu hỏi này không dễ trả lời. Cũng như câu hỏi khó mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với ngành công an: “Vì sao đã quyết liệt mà tội phạm không giảm?”.

Bao lâu nay, người dân cũng đã tự hỏi mình như thế khi hàng ngày bất đắc dĩ phải tai nghe mắt thấy những vụ án kinh hoàng, thậm chí trở thành nạn nhân của tội phạm.

Một ví dụ thời sự: 2 vụ thảm án kinh hoàng, một ở nông thôn Phú Thọ, và một là ngày hôm qua (6.1), giữa thủ đô, đã khiến tổng cộng 7 người chết. Còn “ngoài đường” thì không hiếm vụ cướp giật, cưỡng đoạt trắng trợn, xã hội đen nhiều nơi vẫn hoành hành...

Phải. Có lý do “bần cùng sinh đạo tặc”. Nói đó là mặt trái của một xã hội đang có sự giảm sút về đạo đức cũng không sai. Nhưng còn có một nguyên nhân nữa mà chính trưởng ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ cũng đã nhìn thấy: Đó là việc trấn áp tội phạm ở không ít nơi chưa quyết liệt.

Nhớ trong vụ Đặng Văn Khuyến chém chết người yêu tại TP.HCM hồi tháng 4.2013, có một chi tiết khiến dư luận phẫn nộ. Ấy là khi nạn nhân đến công an trình báo sau khi bị đe dọa đốt nhà, bị hành hung, bị cắt quần áo, báo chí cho biết công an quận vẫn “xác định tính chất vụ việc chưa quá nghiêm trọng” để chuyển cho công an phường. Còn công an phường thì “không thể mời Khuyến lên làm việc” với lý do anh này không ở đây, không tạm trú ở phường. Cho đến khi vụ án mạng xảy ra.

Thật buồn khi ước mơ của người dân giờ đây là những mô hình “hiệp sĩ đường phố” như ở Bình Dương. Thật thấm thía khi giờ đây, nhiều người dân tìm đến “hiệp sĩ”, thay vì đến công an.

Nhưng những vụ kiện tụng cho thấy “hiệp sĩ đường phố” không phải không có vấn đề. Và dứt khoát đó không phải là chìa khóa cho trách nhiệm bảo an.

Một cái án tử cho kẻ cướp chặt tay nạn nhân cũng không phải là chìa khóa.

Người dân cả nước sẽ nhớ lời Phó Thủ tướng đã nói “nếu không chuyển biến sẽ có văn bản nêu đích danh để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm”, như trước đây ông đề nghị “sẽ xử lý nghiêm lãnh đạo công an nếu tội phạm lộng hành”.

Ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu có lẽ, đó mới chính là chìa khóa.