Dân Việt

“Bắt bệnh” người thi hành công vụ

Vinh Hải 04/01/2014 06:32 GMT+7
Trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp thực thi công vụ trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) coi là mấu chốt để tiếp tục kéo giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông (TNGT).
Bệnh “buông lỏng, thiếu trách nhiệm”

Ủy ban ATGTQG đã chọn chủ đề của năm ATGT 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát trọng tải xe”. Để đạt được mục tiêu đặt ra, theo Ủy ban ATGTQG, cần phải bắt “đúng bệnh”, đúng nguyên nhân làm tăng TNGT.

Một trong những nguyên nhân chủ quan khiến tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp là nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương chưa đầy đủ, có hiện tượng chủ quan, lơ là, thậm chí là buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Cảnh sát giao thông sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ.
Cảnh sát giao thông sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt cho rằng: “Trong 6 tháng đầu năm 2013 TNGT tăng liên tục, chúng ta phải bắt đúng bệnh để kéo giảm TNGT và có hai nguyên nhân cốt lõi. Đó là quản lý vận tải và người thực thi công vụ có nơi, có lúc còn buông lỏng”.

Ngay sau khi bắt đúng bệnh, Bộ Công an đã ban hành công điện yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy CA các cấp không can thiệp việc xử lý các trường hợp thân nhân, bạn bè vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật dưới mọi hình thức. Đồng thời, tổ chức 16 đoàn công tác kiểm tra công tác đảm bảo TTATGT và yêu cầu tăng cường tuần tra lưu động, không tổ chức cắm chốt cố định.

Tương tự, Bộ GTVT đã quy định về thực hiện trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan khi để xảy ra tiêu cực trong đơn vị do mình phụ trách.

Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGTQG cho hay, trong năm 2013, Thanh tra Sở GTVT các địa phương đã xử lý kỷ luật 12 cán bộ, đình chỉ 21 đăng kiểm viên vi phạm quy trình kiểm định xe cơ giới. Có 23 cán bộ vi phạm quy định về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe bị xử lý kỷ luật, trong đó Sở GTVT TP.HCM đã tiến hành đình chỉ một hội đồng sát hạch gồm 13 cán bộ và 3 giám sát viên.

Kêu gọi người dân giám sát

Một trong 5 nhiệm vụ cơ bản được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGTQG yêu cầu thực hiện nhằm kéo giảm cả 3 tiêu chí TNGT trong năm 2014 là nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ. Cụ thể, cần phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT; tăng cường giáo dục, quán triệt cán bộ, công chức, chiến sĩ và thanh tra chuyên ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm.

Với mục tiêu siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, Ủy ban ATGTQG cũng có sự điều chỉnh về đối tượng chịu sự giám sát, quản lý. Trong đó, điểm mới là sẽ gắn trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ xe đối với các TNGT chứ không chỉ bắt lỗi lái xe. Để các đối tượng này tâm phục, khẩu phục khi bị gắn trách nhiệm liên đới, một lần nữa tính công khai, minh bạch của lực lượng thực thi công vụ phải được đặt lên hàng đầu.

Theo ông Đinh La Thăng, khi “tuyên chiến” với nạn xe quá tải phá đường phải coi điểm mấu chốt là công khai, nghiêm minh.

Ông Thăng cho rằng: “Việc chúng ta làm quyết liệt nhưng có hiệu quả hay không phải đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch và nghiêm minh với tất cả các đối tượng, tất cả các địa phương.

Đặc biệt với lực lượng thi hành công vụ, bao gồm CSGT và TTGT phải cam kết không tiêu cực. Đây là cái mấu chốt, nếu chúng ta làm công khai, nghiêm minh và không tiêu cực thì chắc chắn sẽ thực hiện được điều này”.

Ông Thăng cũng đề nghị người dân và các cơ quan báo chí, truyền thông thường xuyên có sự kiểm tra, phát hiện để vừa biểu dương người làm tốt, vừa có cơ sở để cơ quan chức năng xử lý người, đơn vị tiêu cực.