Những ngày cuối năm, tất cả các xưởng đóng mới và sửa chữa tàu cá ở Khánh Hòa đều tập nập, khẩn trương phục vụ ngư dân đưa tàu “lên nước” -tân trang, đại tu con tàu kịp đón Tết, cũng là đón vụ cá mới. Những chiếc tàu cá được xếp lịch, để lần lượt kéo lên bờ sau nhiều tháng bám biển. Chiếc nào sửa chữa nhỏ, chỉ cạo hà, trét keo xảm lại những khe hở, vệ sinh toàn tàu, sơn mới… chi phí vài chục triệu đồng. Chiếc sửa chữa lớn thì thay ván vỏ, đà, làm lại máy có thể tốn đến hàng trăm triệu đồng.
“Với chúng tôi, tàu là nhà, cuối năm lên nước để tàu trông mới mẻ, khang trang hơn trong ngày khai biển, cũng là một cách cầu may cho những chuyến biển trong năm tới”, ngư dân Nguyễn Văn Tính ở phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cho biết.
Vóc dáng mới cho con tàu cũ, để lên nước theo kiểu này chủ tàu phải tốn vài trăm triệu. Dù đã có tời hỗ trợ nhưng đưa được con tàu rời nước vẫn cần nhiều sức người. Thay cây giang - hệ thống như xương sườn tàu, chỉ làm với những tàu đã quá cũ, bị “móp sườn”. Ván phủ sườn thay thế được uốn cong bằng lửa than, tời kéo, bu lông ép trong suốt 48 tiếng để được hình dạng ưng ý. “Đinh” chốt ván vỏ tàu với cây giang cũng được thay mới, đinh này làm từ gỗ xay rất cứng. Những vết xảm xấu trên vỏ tàu được đục bỏ, nhồi chặt lại bằng xơ tre già trước khi xảm mới. Keo xảm tàu là hỗn hợp đặc biệt gồm bột nhựa cây chai khô, dầu máy và bột xơ tre già. Mỗi cơ sở có công thức trộn riêng… bí truyền. Thợ xảm vỏ tàu là một nghề riêng, quyết định độ kín của thân tàu. Thông thường họ cũng là người giữ bí quyết trộn keo xảm. Mặc áo mới cho con tàu, công đoạn cuối của quá trình lên nước. Chuẩn bị đưa con tàu sau khi lên nước trở về với biển khơi.