Vượt lên định kiến, vượt qua sự ngăn cấm của gia đình họ đã lướt trên những chiếc xe phân khối lớn, dưới sự trầm trồ của hàng vạn người hơn 50 năm về trước.
Trốn nhà đi tập mô tô Bà Nguyễn Thị Hồng - một trong những thành viên đầu tiên của CLB kể lại, hồi đó, bà là công nhân Hợp tác xã may đo Thăng Long, mới 18 tuổi. Bà là Bí thư Đoàn nên rất hăng hái tham gia các phong trào tập thể. Đến khi Sở Thể dục thể thao xuống tìm một vài chị em yêu thể thao để tham gia vào đội ngũ biểu diễn các bộ môn như nhảy dù, tàu lượn, đi mô tô, bà Hồng gương mẫu xung phong trước. Tuy nhiên, bà Hồng “bén hơi” ngay với những chiếc xe máy xù xì, gai góc. Chỉ nghe thấy những tiếng nổ pằng pằng, giòn tan của chiếc IJ, cô thiếu nữ Hồng đã thấy mê hoặc.
Các cô gái trong đội mô tô bay ở thời điểm hiện tại.
Thời đó, xe máy đã hiếm, những xe máy phân khối lớn như IJ, xe Con thỏ, Java không chỉ lớn về giá trị mà còn làm nhiều người “lác mắt” thán phục, lạ lẫm. CLB mở đầu có hơn 20 người, cả nam lẫn nữ và chỉ luyện tập vào buổi tối. Do phương tiện và nhiên liệu thiếu thốn nên cả lớp phải học “chay”, tập vào số, tăng ga, côn ra, côn vào… bằng tưởng tượng, chân cũng “múa may” theo. Còn lúc cần di chuyển bằng xe thì người ngồi lái, người đẩy xe, đến khi thành thạo mới được nổ máy và chạy bằng xe “sống”.
“Vào hồi đó, con gái đều được giáo dục đi nhẹ, nói khẽ, yểu điệu thục nữ. Làm gì có bố mẹ nào đồng ý cho mình đi học lái mô tô ngổ ngáo, lại còn xoạc cẳng, giơ tay giữa bàn dân thiên hạ. Vì thế, cô và các bạn đều xin bố mẹ “đi tập văn nghệ” – cô Hồng cho biết. Đến khi biểu diễn mô tô, diễu hành qua ngang nhà, bố mẹ cô Hồng trong đoàn người đứng xem, chợt “trợn tròn mắt” nhìn cô con gái vốn hiền lành, thục nữ của mình đang ào ào phóng xe máy. Tối đó, bà Hồng đã bị bố mẹ la mắng, cấm đi tập. Thầy Lê Văn Lẫm – người phụ trách CLB, đã phải đến nhà vận động nhiều lần, bố mẹ bà Hồng mới xuôi. “Đứng trên xe, dang cả hai tay ra, sau đó lại xoay người, nằm nghiêng, nằm ngửa trong lúc xe vẫn chạy ở tốc độ 30-40km/h không hề đơn giản. Chúng tôi không chỉ lái xe mà còn làm xiếc” – bà Hồng kể lại.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Quế lại bắt đầu cuộc chinh phục của mình từ giấc mơ thuở 17 khi xem phim “Bước nhảy bất ngờ” của Liên Xô cũ, bà đã mê mẩn hình ảnh nữ nhân vật chính lái xe điệu nghệ. “Bố tôi bảo: “Nếu mày lấy được chồng mà chồng mày cho diễn mô tô thì bố chẳng cấm”. Thế là tôi quyết định “tuyển chồng”. Sau đó, khi biết chồng tôi “tiếp tay” cho vợ đi biểu diễn mô tô, bố tôi vẫn gọi lên đòi... từ mặt” – bà Quế chia sẻ.
Bay trong niềm xúc động, tự hàoÔng Nguyễn Hữu Nhuệ- cựu thành viên CLB cho biết, ngay cả đối với nam giới, những tiết mục như vừa điều khiển xe vừa đứng bắn, quỳ bắn, tránh đạn cũng đã khó, đối với các cô gái mảnh mai còn khó hơn nhiều lần. Mỗi người đều phải có khả năng buông được hai tay ra khỏi ghi đông xe khi xe đang chuyển bánh ít nhất 5m để thực hiện các động tác. “Tập lái xe mà còn hơn cả đánh giáp lá cà. Ai nấy đều đau nhừ tử ” – bà Hồng kể.
CLB Mô tô Quốc phòng Hà Nội được thành lập năm 1962, với hơn 20 thành viên cả nam và nữ. Cùng với những con “ngựa chiến” IJ, Java, Xít-đờ- ca, Uzal 3 bánh, các thành viên đã luyện tập và gây dựng cho mình nhiều tiết mục “chưa từng thấy ở Việt Nam” vào thời bấy giờ.
|
Đường tập lúc bấy giờ là sân Quần Ngựa, đường pit rải than xỉ, khi ngã xuống vừa đau, vừa bẩn. Không những thế, cô Dậu còn bị mảnh xỉ đen lẫn vào má, bị xạm đen mặt, đến giờ vẫn chưa hết. Cô Khanh bị ngã ngất xỉu, gãy hết cả răng. Nhưng chẳng cô nào vì sợ xấu, sợ đau mà bỏ cuộc, cứ đi viện về là hôm sau lại đòi đi tập, đi diễn. “May mà hồi đó phụ nữ không mặc váy, không thì chúng tôi lạc lõng lắm, vì luôn phải giấu kín đôi chân toàn sẹo ống xả và các vết bầm tím” – bà Hồng cho biết. Việc luyện tập cũng không có trang thiết bị bảo hiểm gì, chế độ cũng không có.
Thành quả rực rỡ của CLB Mô tô quốc phòng thời bấy giờ là tiếng vỗ tay, hò reo tán thưởng vang dội của người dân. Bà Hồng vẫn nhớ như in cảm giác khi đi diễu hành ngày mùng 2.9 trên sân Hàng Đẫy những năm 1964-1965: “Mình và đồng đội như bay trong niềm xúc động, tự hào”.