Biển là nhà, gió làm bạn…
Chúng tôi đến khu nhà máy điện gió nằm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu vào một ngày nắng đẹp. Thật khó nói hết cảm xúc của mình khi đứng trước những “cối xay gió” (turbine - tuốc bin) cao ngút trên trời xanh trông thật hùng dũng, uy nghi. Những cánh chong chóng như những cánh chim biển khổng lồ quay chậm chậm nhưng tạo ra những luồng điện mạnh, sạch phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Một góc khu điện gió.
Dẫn chúng tôi tham quan những “cối xay gió”, kỹ sư Nguyễn Trường Hận, tâm sự: “Ở đây, anh em trong ngành gọi biển là nhà, gió là bạn nên ai cũng vui tính, phóng khoáng và mạnh mẽ như những cơn gió từ biển Đông tạt vào. Phần nhiều anh em làm việc ở đây đều xa quê hương nên ai cũng đùm bọc, san sẻ tình thương với nhau…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để bắt những cơn “gió nở ra hoa” này, hơn 50 kỹ sư của nhà máy chia làm 3 tổ. Tổ đường dây 22 KV công việc chính là kiểm tra đường dây, có 16 trụ nối với nhà trạm tăng áp 110 KV; Tổ nhà trạm 110 KV và Tổ tuốc bin với công việc chính là kiểm tra, giám sát hệ thống SCADA (hệ thống tự động hóa, với chức năng quản lý và giám sát toàn bộ hệ thống điện). Mỗi ca 2 người làm việc là 12 giờ sau đó được nghỉ 24 giờ, cứ thế luân phiên quản lý việc vận hành, bảo quản, kiểm soát hoạt động của 10 “cối xay gió”. Ở mỗi ca trực mỗi người sẽ “khám bệnh” cho 5 “cối xay gió” mất khoảng 45 phút.
Anh Châu Quốc Kiểm- kỹ sư điện của tổ đường dây 22 KV khu điện gió chia sẻ: “Khi mới về đây làm việc, lúc đầu cũng buồn lắm nhưng rồi cũng quen dần và bây giờ thì cảm thấy yêu gió và biển hơn. Những lúc nghỉ hơi lâu hoặc đi về thăm nhà cảm thấy như thiếu một cái gì đó giống như thiếu.. người yêu!”.
Đối với những kỹ sư có nhà xa thì được phân nhà tập thể trong khuôn viên nhà máy. Mỗi người được hỗ trợ tiền ăn trưa 600.000 đồng/ tháng.
Tỉ mỉ từng ly
Các kỹ sư ở đây đều chia sẻ rằng công việc ở khu điện gió này không quá cực nhọc nhưng buộc phải tỉ mỉ, cẩn trọng vì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Phú Nông – Trưởng Phòng hành chính Công ty Công Lý cho biết, chế độ an toàn lao động cho các kỹ sư luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Các trang thiết bị an toàn về điện được công ty đầu tư kỹ lưỡng, chu toàn. Tất cả hoạt động của các tuốc bin đều được vận hành tự động trên máy và rất an toàn trong từng ly, từng tí.
Công trình thế kỷ của ĐBSCL Nhà máy điện gió Bạc Liêu được khởi công giai đoạn 1 từ tháng 9.2010, do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư. Đây là dự án điện gió thứ hai tại Việt Nam (sau Bình Thuận) có tổng công suất 99 MW, gồm 62 trụ tuốc bin điện gió với số vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng. Khi hoàn thành sẽ cung cấp trên 320 triệu KW điện mỗi năm. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5.2013 với 10 trụ tuốc bin điện gió với tổng công suất 16MW, đến nay nhà máy đã hòa vào lưới điện quốc gia 10 triệu KW điện.
|
Đứng trước biển trời mênh mông và chứng kiến những “cối xay gió” do con người làm nên đang đứng sừng sững “chiến đấu” suốt ngày đêm không mệt mỏi, chúng tôi thật sự thấy mình nhỏ bé. Các cánh quạt của các trụ tuốc bin hoạt động tự động theo hướng gió và tùy theo gió mạnh hay yếu. Một kỹ sư trẻ cho biết, ở đây đều có thiết bị định vị để xác định hướng gió chính. Theo đó, các cánh quạt sẽ tự động xoay mình về hướng gió để “bắt gió nở hoa”. Mật độ gió tối đa là 25m/s, nếu mật độ gió quá định mức các cánh quạt sẽ tự động xếp lại…
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm đặc biệt cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án điện gió. Nhờ đó mà đã đưa vào vận hành 10 tuốc bin và chính thức hòa vào lưới điện quốc gia với công suất 16MW. Hiện nay, dự án được tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với 52 trụ tuốc bin và sẽ cho công suất 83,2MW dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014. Sau đó sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên 300 trụ tuốc bin nâng tổng công suất lên 480MW.
Ông Lê Minh Chiến khẳng định: “Dự án Nhà máy Điện gió triển khai thành công bước đầu đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho tỉnh Bạc Liêu. Nhờ đó mà tăng cả nguồn thu ngân sách, tăng trưởng GDP, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP và đặc biệt là kích thích phát triển du lịch…”.