Trong lúc gia đình lục đục, chồng thường xuyên đánh vợ, chửi con, chị Tư lại phát hiện tiền trong nhà đôi ba lần bị mất. Âm thầm tìm hiểu, chị chết sững khi biết thủ phạm trộm tiền không ai khác chính là người chồng bấy lâu tay ấp má kề. Đau đớn hơn, tất cả số tiền ấy, anh đều dành… cho gái. Không thể sống với người chồng hai lòng, chị quyết định đâm đơn ra tòa ly dị.
Đổi đời nhờ 3 lần trúng độc đắcNhững tháng ngày còn nghèo khó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tư (46 tuổi, ngụ KV.Yên Hạ, P.Lê Bình, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) phải làm đủ nghề kiếm sống. Chị bán vé số quanh năm bên đường, còn người chồng Trần Văn Lâm (45 tuổi) làm nghề bốc vác, thợ hồ. Cuộc mưu sinh vất vả khiến vợ chồng chị luôn ao ước về một ngày khấm khá hơn. Vì thế, mỗi ngày đi làm về, chị lại dành tiền mua một vài tờ vé số.
Năm 2008, khi vé số mới có mệnh giá 2.000 đồng/tờ, chị may mắn trúng giải lần đầu tiên, được 50 triệu đồng. Số tiền không quá lớn nhưng đủ cho cuộc sống của vợ chồng chị Tư bớt khó khăn. Sau ngày lĩnh giải, anh chị bàn nhau đem tiền gửi ngân hàng, còn hai người vẫn tiếp tục làm công việc hàng ngày như thường lệ.
Năm 2011, nhờ tiền lời phát sinh cộng thêm thói quen cần kiệm tích góp, kinh tế gia đình chị Tư dần khấm khá hơn. Lần này, trong một lần chừa lại hai tờ vé với dãy số giống nhau (lúc này vé đã đổi mệnh giá lên 10.000 đồng), vợ chồng chị lại trúng hai giải đặc biệt, tổng giá trị lên đến 3 tỷ đồng.
Ngôi nhà chị Phương cất lại nhờ tiền trúng số.
Năm 2012, chị Tư lại tiếp tục trúng 2 giải nhất, trị giá 30 triệu đồng/vé. Ngoài ra, chị còn trúng rất nhiều giải nhỏ trị giá tiền triệu khác. Chính nhờ “cái duyên vé số” khó tin này, chị Tư từ một người phụ nữ nghèo khó đã trở thành một tỷ phú trong vòng vỏn vẹn 4 năm. Chị cho biết, mỗi lần trúng số, chị đều đem tiền gửi ngân hàng và sử dụng vào những mục đích có ích. Chị mua đất, xây nhà cho con trai, con gái để chúng ở riêng, rồi cho các con một số vốn nhất định để chúng có thể tự chủ làm ăn. Bên cạnh đó, chị còn dùng tiền làm phước cho những người bán vé số, mua gạo cho người nghèo.
Nhưng khổ nỗi, càng có duyên với vé số, chị Tư lại càng… vô duyên trong mắt chồng. Khi cuộc sống thay đổi hoàn toàn nhờ “lộc trời” cũng là lúc ông Lâm bỏ vợ để chạy theo người phụ nữ khác.
Chị Tư kể: “Ngày xưa, chúng tôi đến với nhau với hai bàn tay trắng, hai bên nội ngoại đều nghèo, vợ chồng phải tự làm lụng nuôi nhau. Dạo ấy, những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hàng ngày đều được giải quyết êm đẹp”. Theo lời chị Tư, ông Lâm vốn là người hiền lành, ít nói nhưng siêng năng. Từ làm phu hồ tới bốc vác, ai thuê gì ông cũng làm, miễn là có tiền để vợ con đỡ khổ. Thương chồng, thương con, chị Tư cũng gắng sức làm lụng, không quản ngại việc gì, đồng thời không quên dành nhiều quan tâm cho chồng con.
Thương vợ con đến vậy, nhưng thói quen trăng hoa của ông Lâm như đã ăn vào máu. Trước đây, khi chị Tư mới sinh đứa con đầu lòng, ông Lâm đã lén lút qua lại, dan díu với một người phụ nữ khác. Nghe người ta đồn đại, chị Tư tìm đến tận nơi và lặng người khi bắt quả tang chồng mình đang “ăn vụng”. Chị càng bẽ bàng hơn khi biết chính xác tình nhân của ông Lâm cũng không trẻ trung gì. Ngược lại, người phụ nữ này đang sống cùng chồng và đã có hai con.
Chị định cắt đứt quan hệ với người chồng thiếu thủy chung, nhưng vì tương lai của các con, chị lại nhịn nhục cho qua. Niềm an ủi của chị lúc đó chính là những lời thề thốt, van xin vợ để giữ trọn mái ấm gia đình hạnh phúc của chồng. Từ hôm đó, ông Lâm như biết hối hận, luôn thức khuya dậy sớm đưa vợ ra chợ buôn bán. Thấy chồng như thế, chị Tư cũng mừng, yên tâm sớm tối buôn thúng bán bưng lo cho gia đình.
Nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, chỉ được một thời gian, ông Lâm lại “ngựa quen đường cũ”. Không chỉ lười làm việc, tối ngày ăn diện chải chuốt bảnh bao, ông Lâm còn giao du với những tay ăn chơi có tiếng trong vùng. Dần dà, ông Lâm bắt đầu đi qua đêm, từ một, hai ngày rồi ngang nhiên đi nhiều ngày mới về mà không nói rõ lý do. Thấy biểu hiện của chồng ngày càng bất thường, chị Tư đã cất công dò la thực hư và biết thông tin chồng đang có quan hệ mờ ám với một cô gái. Đáng nói hơn, Lâm không ngại thừa nhận tất cả khi vợ gặng hỏi nhưng dứt khoát không tiết lộ danh tính người phụ nữ là ai.
Mất chồng sau ngày có tiền tỷ
Để níu giữ gia đình, chị Tư gạt bỏ nỗi giận hờn, cất công tìm hiểu về người phụ nữ đã làm chồng mình mê mệt đến phản bội lời thề, cam lòng bỏ vợ, bỏ con. Chị thất vọng tràn trề khi “chân dung” tình địch hé lộ - một phụ nữ bán bia ôm, kiêm luôn gái bán dâm. Được biết, người phụ nữ này bắt đầu bán thân từ năm 16 tuổi, đã qua tay biết bao nhiêu đàn ông. Cô ta “nổi tiếng” đến mức, những gã đàn ông trong giới ăn chơi ở bến Ninh Kiều ai cũng biết tên. Người này cũng từng có một đời chồng và một đứa con trai. Tính tới thời điểm cặp kè ông Lâm, cô ả cũng có thâm niên 16 năm ngụp lặn chốn đèn mờ. Nhưng người ta thường nói “một tí của lạ bằng một tạ cái quen”, ông Lâm bất chấp lời thề còn văng vẳng, cứ mê mệt theo cô ả bởi những ham muốn nhục dục.
Quá đau đớn, chị Tư thức trắng nhiều đêm để nghĩ cách thuyết phục chồng quay đầu về với gia đình trước khi quá muộn. Chị ngọt nhạt, giận dỗi, dỗ dành rồi đe dọa, nhưng người chồng vẫn trơ trơ như gỗ đá. Tình nghĩa vợ chồng bao năm đã không thể thắng nổi đam mê nữ sắc của ông Lâm và những chiêu trò tinh quái của người phụ nữ “bán phấn buôn hương”. Thậm chí, ông Lâm còn lấy trộm tiền trúng số để đi chơi, mang cho người tình hưởng thụ.
Không thể sống với người chồng đã hoàn toàn thay lòng đổi dạ, chị quyết định gửi đơn ly hôn ra tòa. Ngày tòa xử, ngoài số tiền 150 triệu đồng và một chiếc xe máy Air Blade, người chồng bội bạc không được nhận thêm bất cứ tài sản gì và gã cũng không yêu cầu thêm. Lời cuối cùng nói với nhau, ông Lâm lạnh lùng bảo, chỉ cần giải phóng cho ông ta khỏi căn nhà này với hai thứ tài sản trên là đủ. Nhưng sự “hào phóng” này không phải nhờ chút tình vợ chồng sót lại, mà vì đã “gán” tất cả trách nhiệm nuôi 3 đứa con cho vợ. Năm 2011, chị Tư và chồng chính thức đường ai nấy đi. Sự tan vỡ của cặp vợ chồng từng một thời sướng khổ có nhau khiến nhiều người tiếc nuối. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi dọn hành lý ra đi, ông Lâm còn “chôm” thêm số tiền 15 triệu đồng mà chị Tư cất trong tủ, dù biết rằng chị định dùng số tiền này để xây dựng ngôi nhà đơn giản cho người con trai đầu.
Bỏ lại vợ con đau khổ, bỏ ngoài tai tất cả lời đàm tiếu của xóm làng, ông Lâm quyết định cùng người tình thuê một phòng trọ sinh sống. Nghe đâu khi còn tiền, cặp tình nhân sống khá hạnh phúc. Khi đứa con gái chung của hai người ra đời, cuộc sống ngày càng chật vật, ông Lâm và người tình bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Cạn tiền ăn chơi nhưng không muốn phải lao động vất vả, chiếc xe máy được nhận trong ngày ly dị vợ cũng bị ông ta đem ra cầm cố, cuối cùng đành bán nốt vì không có tiền chuộc về. Khi Lâm không còn giá trị để “đào mỏ”, cô vợ hờ đã quay lại chốn đèn mờ, đêm đêm làm trò mua vui cho những tay nhiều tiền rửng mỡ. Đi quá nửa đời người, ông Lâm mới nhận ra mình mất một gia đình hạnh phúc với vợ hiền và 3 đứa con ngoan.
Phút hối hận muộn màng
Gần
đây, ông Lâm thường trở về căn nhà cũ, nơi chị Tư và các con sinh sống.
Tuy được vợ cũ tiếp đón như bao người khách đến nhà, ông Lâm đã không
dám ngẩng mặt nhìn vợ con, hàng xóm láng giềng. Nhiều khi sượng sùng
ngồi tâm sự với chị Tư, với các con, ông Lâm lại rưng rưng khóc. Những
giọt nước mắt hối hận của con ngựa chùn chân muốn tìm về chốn yên bình
sau bao năm lạc lối.
Ông Lâm bảo, ông ta nhớ thuở hàn vi, nhớ
cuộc sống dù nghèo khó nhưng tình cảm mặn nồng, vợ chồng sớm tối có
nhau. Ông Lâm thèm được những bữa ăn đoàn tụ gia đình, nhưng người đàn
ông này cũng biết tất cả đã quá muộn. Ngày ra đi, ông Lâm phũ phàng đến
mức quên luôn trách nhiệm làm cha của ba đứa con, nay trở về tất cả đều
đã lớn, hình ảnh người cha cũng không còn trọn vẹn trong suy nghĩ của
chúng nữa.
|