Dân Việt

SEA Games: Nét đẹp “hội làng”

Lê Đức 03/02/2014 13:51 GMT+7
Chứng kiến sự thân thiện đến cả tin của người dân Myanmar trong những ngày diễn ra SEA Games 2013, dễ có cảm nhận nếu như có mất đi vài chục tấm Huy chương Vàng (HCV) thì họ cũng chẳng lấy làm buồn.
Đơn giản, đã 44 năm trôi qua kể từ SEA Games 1969, họ mới được sống trong bầu không khí lễ hội đích thực…

44 năm và 1 ngày hội


Cứ nhìn những chàng trai, cô gái Myanmar trang điểm thật đẹp, lộng lẫy, đua nhau khoe sắc trong những bộ trang phục truyền thống dạo quanh sân vận động Wunna Theikdi tại lễ khai mạc, bế mạc SEA Games là hiểu họ háo hức trông chờ sự kiện này đến thế nào. Có một chút bối rối xen lẫn thẹn thùng nhưng tất cả đều nở nụ cười duyên dáng khi nhận lời chụp ảnh lưu niệm với du khách nước ngoài. Dường như cũng đã lâu lắm rồi, các cô gái mới được đứng trước “ống kính” nhiều đến vậy!

  Với mỗi người dân Myanmar, SEA Games 2013 thực sự là một ngày hội lớn.
Với mỗi người dân Myanmar, SEA Games 2013 thực sự là một ngày hội lớn.

Trên đất Myanmar, nhiều người cảm thấy khá ngạc nhiên bởi trong kịch bản khai mạc, bế mạc được chuẩn bị khá cầu kỳ, ban tổ chức đã dành nhiều thời gian để trình diễn màn bắn pháo hoa. Không chỉ với những người dân bình thường, mà ngay cả cánh phóng viên chủ nhà cũng bỏ lại phía sau tất cả công việc, chạy đôn chạy đáo tìm vị trí đẹp nhất trên khán đài để ghi lại khoảnh khắc những bông hoa nở rộ trên bầu trời Nay Pyi Taw: “Trong thời khắc này, chúng tôi nhìn lên bầu trời và ước nguyện những điều tốt lành nhất sẽ đến với mình và những người thân. Ước cho những người dân nghèo sống trong những căn nhà lá, nhà đất tạm bợ ở ngay giữa thủ đô Nay Pyi Taw sẽ bớt cơ cực hơn”, anh bạn Myint Aung – phóng viên Đài Truyền hình quốc gia Myanmar (MRTV) tâm sự.

Giữ lại tin yêu…


Nghe Myint Aung chia sẻ cộng với những trải nghiệm thực tế, ngồi ăn trưa trong một quán cỏ trong một ngôi làng nghèo nằm kế bên sân Wunna Theikdi đã cho người viết câu trả lời: Tại sao kết thúc lễ khai mạc và bế mạc, rất nhiều em nhỏ góp mặt trong các tiết mục đồng diễn đã ôm nhau khóc nức nở. Người Myanmar vị tình và hướng thiện. Mới quen đó mà đã có thể đối xử với nhau bằng cả tấm lòng nhiệt thành nhất. Người ta nhường nhịn, nở nụ cười với nhau khi cùng đứng trong chiếc xe bus chật cứng di chuyển giữa các địa điểm thi đấu. Họ cũng sẵn sàng mở lòng, giúp các phóng viên Việt Nam chọn đồ ăn, mời nhau miếng trầu, ly rượu nhạt cho dù còn có khoảng cách xa về ngôn ngữ. “Chúng em được chọn từ nhiều địa phương khác nhau trên đất nước. Từ những ngày đầu tiên còn buồn phát khóc trong những đêm xa nhà, rồi quen dần, cảm nhận được nhau khi cùng ăn, ở, tập luyện cho các tiết mục đồng diễn suốt cả năm qua. Giờ hết SEA Games rồi, chúng em sẽ phải chia tay, ai về nhà nấy, buồn lắm!” - bạn nhỏ Than San Wan, cố gượng cười nói, tay lau nước mắt an ủi bạn mình.

  Sau mỗi tấm HCV, CĐV, VĐV nước chủ nhà đều nhảy múa, hát hò mừng vui.
Sau mỗi tấm HCV, CĐV, VĐV nước chủ nhà đều nhảy múa, hát hò mừng vui.

Rõ ràng, giá trị lớn nhất của “hội làng” không chỉ nằm ở những tấm huy chương, mà cao hơn cả, SEA Games giúp các nước trong khu vực từ các vận động viên đến các cổ động viên có cơ hội giao lưu, hiểu và gần nhau hơn. Vậy thì điều cần thay đổi nhất ở SEA Games, hóa ra không phải là hạn chế những môn thể thao truyền thống “không giống ai” của mỗi nước mà là sự công tâm, trung thực trong từng trận đấu, loại trừ “bệnh thành tích” của nước chủ nhà cũng như cách cầm cân nảy mực thiếu công tâm của các trọng tài.

Để sau mỗi trận đấu, dù có hay không giành được huy chương, các VĐV vẫn có thể nở nụ cười hoặc rơi những giọt nước mắt hạnh phúc và dành cho đối thủ những cái cái bắt tay thật chặt, thay vì phải tức tưởi khóc vì bị ép thua như ở SEA Games 2013 cũng như nhiều kỳ SEA Games trước đó. Chỉ như thế, SEA Games mới đúng chất “hội làng”, là đòn bẩy nâng bước thể thao khu vực lên đấu trường châu lục và quốc tế.