Đợt mưa phùn kéo dài hơn một tháng nay khiến người dân miền Bắc “lao đao” vì ẩm ướt. Liệu đây có phải là dấu hiệu dự báo một mùa mưa bão với lượng mưa lớn, bão nhiều?
Xung quanh hiện tượng này, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã trao đổi với PV.
Mưa phùn vẫn tiếp tục kéo dài
Đợt mưa phùn ẩm ướt kéo dài tại miền Bắc hiện tại có phải là bất thường, thưa ông?
- Ông Lê Thanh Hải: Theo ghi nhận của chúng tôi, đợt mưa phùn hiện
tại đã duy trì tại các tỉnh miền Bắc hơn 1 tháng nay. Quan trắc khí
tượng cho thấy, trong vòng 10 ngày tới, mưa phùn vẫn chưa có dấu hiệu
chấm dứt. Từ sáng nay 15-3, không khí lạnh suy yếu, mưa phùn sẽ quay trở
lại.
Tuy nhiên, đây cũng không phải hiện tượng bất thường của thời tiết. Vì
đợt mưa Xuân ở miền Bắc nhiều năm ghi nhận “mất mùa mưa Xuân” hoặc mưa
quá nhiều.
Hiện tượng mưa Xuân kéo dài như vậy là do đâu?
- Mưa Xuân có năm nhiều, năm ít. Những năm không khí lạnh tăng cường yếu
xuống nước ta thì sẽ nóng nhiều hơn. Những đợt lạnh yếu, khi về qua
Trung Quốc sẽ suy yếu, trong khi nắng nóng phía Tây phát triển lan sang,
gây nóng. Còn năm nay, những đợt lạnh tăng cường đều, không quá mạnh,
khi tràn xuống phía Bắc nước ta đã suy yếu và biến tính, gây mưa nhỏ,
mưa phùn kéo dài. Chỉ khi nào có một đợt không khí lạnh cường độ mạnh
hoặc một trận mưa rào lớn thì tình trạng này mới chấm dứt.
Liệu đây có phải dấu hiệu dự báo một mùa mưa bão dồn dập hơn?
- Năm 2014, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông
có khả năng ở mức thấp hơn một chút so với trung bình nhiều năm (TBNN),
khoảng 9-10 cơn (TBNN khoảng 10-12 cơn) và ảnh hưởng trực tiếp đến đất
liền nước ta cũng ở mức thấp hơn, khoảng 4-5 cơn (trung bình khoảng 5-6
cơn). Tuy nhiên, cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển
phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc áp thấp nhiệt đới, bão ảnh
hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn.
Tình hình mưa có phức tạp hơn?
- Lượng mưa ở khu vực Bắc bộ trong tháng 3 và tháng 4 ở mức thấp hơn
trung bình các năm cùng thời kỳ. Cần đề phòng dông mạnh kèm theo tố,
lốc, mưa đá trong thời kỳ này vì là thời điểm chuyển giao sang mùa nóng.
Song, mùa mưa bão năm nay ở Bắc bộ nhiều khả năng đến muộn hơn bình
thường, tổng lượng mưa các tháng nửa đầu mùa (từ tháng 5 đến 7-2014 thấp
hơn các năm; nửa cuối mùa (từ tháng 8 đến 10-2014) ở mức xấp xỉ với các
năm. Các đợt mưa lớn ở Bắc bộ sẽ tập trung vào thời kỳ các tháng từ
tháng 6 đến tháng 8-2014.
Như vậy lũ cũng sẽ ít khốc liệt hơn?
- Lũ tiểu mãn trên các sông có khả năng xuất hiện muộn và nhỏ hơn. Đỉnh
lũ năm 2014 trên các sông Bắc bộ có khả năng xuất hiện đúng với quy
luật chung (đầu tháng 8) và có khả năng nhỏ hơn đỉnh lũ 2013. Trên các
sông chính thượng lưu hệ thống sông Hồng, sông Hoàng Long và thượng lưu
sông Thái Bình có khả năng ở mức báo động BĐII hoặc trên BĐII nhưng dưới
BĐIII. Hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội ở mức dưới BĐI; hạ lưu sông Thái
Bình ở mức BĐI. Một số sông suối nhỏ, ở miền núi phía Bắc cần đề phòng
đỉnh lũ có nơi vượt mức BĐIII.
Còn các sông ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên xuất hiện đúng quy luật
hàng năm. Đỉnh lũ năm 2014 trên hầu hết các sông đều thấp hơn đỉnh lũ
năm 2013.
Mùa hè năm nay nắng nóng sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?
- Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm, đặc biệt ở các tỉnh phía Tây Bắc
bộ, Bắc Trung bộ và Nam bộ. Số đợt nắng nóng gay gắt ở Bắc bộ có thể tập
trung nhiều từ tháng 5 đến tháng 7, ở Trung bộ còn có thể kéo dài từ
tháng 5 đến tháng 8-2014.
Trên phạm vi toàn quốc, nền nhiệt độ tháng 3 và tháng 4-2014 ở mức xấp
xỉ với TBNN, riêng phía tây Bắc bộ ở mức cao hơn một chút so với TBNN
cùng thời kỳ. Từ tháng 5 đến tháng 10.2014 nền nhiệt độ trung bình trên
phạm vi toàn quốc trong các tháng mùa mưa bão phổ biến ở mức cao hơn một
chút so với TBNN cùng thời kỳ.