Dân Việt

Rét đậm kéo dài: Nông dân lo chậm thời vụ

Dù đã có nước đổ ải, song thời điểm này bà con ND miền Bắc đang phải tạm dừng gieo cấy để tránh bị chết lúa, mạ.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con không nên gieo cấy khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, bởi khung thời vụ vụ xuân này có thể kéo dài tới 15.3.

Vận động bà con ngừng cấy

Ngày 13.2, phóng viên ghi nhận tại cánh đồng của xóm Đồng Cỏ, xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh), bà con nông dân ở đây đang bắt đầu tấp nập đi che lại nylon cho mạ để tránh rét. Ông Đỗ Tất Nhật cho biết: “Mới ăn tết xong đã rét quá nên phải giữ ấm cho mạ, chờ nắng ấm lên mới cấy được”.

Dù trời rét, song nông dân ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) vẫn xuống đồng cấy do sợ chậm thời vụ.
Dù trời rét, song nông dân ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) vẫn xuống đồng cấy do sợ chậm thời vụ.

Đến các cánh đồng của tỉnh Hải Dương, chúng tôi quan sát thấy các thửa ruộng đã hầu như được cấy kín, chỉ còn lác đác một số nông dân đang cấy. Đang thoăn thoắt cấy, ông Phạm Văn Tạo ở thôn Đồng Kênh, xã Văn Tố (Tứ Kỳ, Hải Dương) nói: “Cóng chân tay quá rồi, nhưng mạ đã chót nhổ đủ cấy trong ngày nên phải cấy cho hết”. Ông Tạo cho hay, vụ chiêm xuân năm nay, nhà cấy 7 sào ruộng, hiện đã cấy được 6 sào, còn 1 sào sẽ dừng không cấy để chờ ấm lên mới xuống đồng làm tiếp.

Trong ngày 13.2, đi đến xã nào của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), chúng tôi cũng nghe thấy tiếng loa thông báo thời tiết và kêu gọi nông dân ngừng cấy. Đang vác cày, dắt trâu trên đường về, thấy chúng tôi bắt chuyện, ông Phùng Văn Nghĩa lắc đầu bảo: “Trời lạnh buốt thế này, cày ngoài đồng thì trâu cũng chết chứ không nói gì đến người. Do còn ít đất cày cố cho xong nên tôi mới ra đồng thôi”.

Dưới tiết trời mưa phùn, tại xã Tiến Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), mặc dù nhiệt độ chỉ 8 – 9 độ C, nhưng từ đồng trên, ruộng dưới người dân vẫn hò nhau ra cấy. Để giảm bớt cái lạnh thấu thịt, thấu xương khi ngâm chân tay hàng giờ dưới bùn, họ mặc thêm áo ấm, choàng thêm áo mưa và đi ủng, nhưng dù vậy cái lạnh giá vẫn hiện rõ trên nét mặt, giọng nói của mỗi người dân. Chị Nguyễn Thị Thu (thôn Ngọ) tay cầm nắm mạ, giọng líu đi vì rét cho hay: “Sáng nay thôn có cảnh báo nếu nhiệt độ dưới 15 độ C thì người dân không được cấy, nhưng nhà tôi nhỡ nhổ mạ rồi nên đành phải cấy, không cấy sợ để lâu mạ chết”.

Cách nhà chị Thu không xa, bà Lê Thị Xuân - 56 tuổi, mặt thâm tím lại vì rét nhưng vẫn cố đứng dưới ruộng cấy. “Chúng tôi cũng biết trời lạnh thế này không nên cấy, nhưng thời tiết này cùng lắm chỉ lạnh 2 – 3 ngày rồi lại ấm, nên không lo lúa chết. Hơn nữa mạ nhổ ra rồi, cả đám ruộng 3 sào cấy được nửa rồi, bỏ làm sao được” – bà Xuân phân bua.

Bà Lê Thị Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết, xã đã cảnh báo người dân trên loa truyền thanh của xã từ nhiều hôm trước, nhưng một số hộ dân vẫn cố tình nhổ mạ và sáng nay (13.2) thì ra đồng cấy: “Trời lạnh sâu dưới 15 độ C, theo khuyến cáo của Bộ NNPTNT cần tạm dừng gieo cấy, nhưng người dân vẫn cố tình ra đồng cấy, nên chúng tôi phải thành lập đoàn đi ra đồng để vận động bà con về. Tuy nhiên, một số hộ vẫn không chịu về, chúng tôi đang rất bế tắc cách giải quyết, vì thực tế họ cấy ruộng họ, mình chỉ có thể vận động chứ không thể cưỡng chế”.

Không nên gieo cấy khi nhiệt độ dưới 15 độ C

Ông Chu Văn Nhung – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Tố (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết: “Để đảm bảo năng suất cho vụ chiêm xuân 2014, chúng tôi không chỉ tích cực tuyên truyền trên loa phát thanh của xã 24/24 giờ, mà còn cử cán bộ xuống các cánh đồng một mặt kêu gọi, khuyên bà con ngừng cấy, một mặt hướng dẫn bà con cách chống rét cho lúa đã cấy như vào ban ngày tháo nước, vào ban đêm giá buốt sẽ cho nước vào giữ ấm cho lúa”.

Theo ông Nguyễn Hữu Dương – Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương, ngay từ ban đầu bước vào triển khai vụ chiêm xuân 2014, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương đồng loạt gieo cấy. Tuy nhiên, kèm theo đó là các địa phương nên đề phòng, rét đậm, rét hại, nếu nhiệt độ dưới 15 độ C cần khuyến cáo nông dân ngừng cấy, chờ thời tiết ấm trở lại mới được cho xuống đồng.

Ông Mai Bá Luyến – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cũng cho biết, vụ chiêm xuân 2014 toàn tỉnh gieo cấy 120.000ha, hiện đã đạt gần 90%. “Chúng tôi cũng đã khuyến cáo đến các địa phương, nếu nhiệt độ dưới 15 độ C thì ngừng cấy. Việc người dân một vài địa phương khi nhiệt độ ở ngưỡng 10 – 11 độ C vẫn cấy là do mạ già, hơn nữa sự giám sát của cơ sở chưa sát, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, gấp rút yêu cầu người dân ngừng cấy nếu nhiệt độ ngoài trời tiếp tục giảm” - ông Luyến nói.

Có thể gieo cấy đến 15.3


Trước việc nhiều người dân lo ngại thời tiết quá rét, phải lùi thời gian gieo cấy sẽ ảnh hưởng tới mùa vụ, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, nếu thời tiết ấm, cấy trong tháng 2 được là tốt nhất nhưng nếu thời tiết vẫn rét đậm, rét hại kéo dài thì tới 15.3 gieo cấy vẫn không ảnh hưởng gì. Thực tế cho thấy, đã có nhiều năm thời tiết quá rét, nhiều địa phương cấy từ ngày 3.3 cho tới 15.3 vẫn đạt năng suất cao. Ông Định cũng khuyến cáo người dân không nên xuống giống nếu thời tiết vẫn rét đậm, rét hại dưới 15 độ C. Giữ ấm cho mạ bằng cách che chắn nylon, tuyệt đối không được để khô ruộng; đối với các trường hợp gieo sạ, gieo thẳng nếu đã ủ mầm, hạt đã nứt thì cần thực hiện các biện pháp hãm mộng bằng cách bó chặt lại, ngâm chìm trong nước, tránh tăng nhiệt để hạn chế rễ phát triển...
Thanh Xuân