Cách đây mấy năm tôi về ăn tết quê. Trong bữa cơm đầu năm, chị dâu tôi hồn nhiên nói to trong bữa ăn: “Chú ạ, không có Đảng nào tốt như Đảng này, không Chính phủ nào tốt như Chính phủ này.
Đấy chú xem, tôi có làm gì cho Nhà nước đâu, mà tết nhà tôi được cho bốn trăm nghìn ăn tết đấy”. Chị cười hỉ hả, vui lắm.
Vâng tiền từ trên trời rơi xuống, chị tôi nghĩ thế. Dân khổ đã có Chính phủ cấp tiền hỗ trợ, bớt đi được một mối lo.
Mấy tết sau, chị và một số nhà trong xóm thấy tết gần đến cứ hóng được Nhà nước cho tiền ăn tết, thấy không có thế là buồn. Lại có tiếng xì xào hay là mấy ông trên xã cất giấu. Tôi về, có người đến dò hỏi nghi ngờ xem liệu có chuyện ấy không… Đúng là lợi bất cập hại.
Năm nay lại nghe Mặt trận Tổ quốc đang lo thu gom 34 tỷ đồng để lo tết cho trên 30 tỉnh nghèo… Con số thì to, nhưng hỏi chia mỗi hộ được bao nhiêu?
Dân mình là thế, tiền được trợ cấp như được của trời ơi, là sướng ngất. Rồi hình thành dần tâm lý đợi chờ, năm nào cũng nghĩ đến hẹn lại lên, tết lại có trợ cấp.
Thực ra so với sự lãng phí tham ô mà Nhà nước không quản lý nổi kia gấp tỷ lần cái trợ cấp ăn tết. Nhưng dân cũng chẳng biết. Xưa nay dân quen nghĩ tiền của Chính phủ là tiền chùa. Không mấy người dân hiểu rằng tiền của Nhà nước có từ đóng góp của người dân và tiền thu về từ tài nguyên đất nước…
Dân mình được lợi tí là sung sướng, thấy thiệt một tí là kêu rầm. Được tí nào, sướng tí ấy. Không mấy ai nghĩ cái lợi và cái thiệt kia có ngọn nguồn từ đâu và nuôi tâm lý chờ đợi!
Nhà nước không bao giờ có thể lo hết tết cho dân được. Đây chỉ là chuyện bất đắc dĩ có tính chất tình cảm nhất thời thôi. Cái tích cực hơn là không cần lo tiền tết gì hết, mà phải là thực hiện các chính sách kinh tế có hiệu quả. Đừng có để các cấp và doanh nghiệp vung tiền vào các dự án trời ơi cốt để moi tiền ngân sách bấu véo. Móc trộm được một hai thì lãng phí mười, bị rút ruột, chất lượng công trình tệ hại, hoặc những công trình chẳng thiết thực gì với đời sống người dân mà cứ duyệt làm. Hàng năm mất mát đi biết bao là tiền.
Người Tày có câu ngạn ngữ rất hay: “Kin so bấu đo”- ăn xin không bao giờ đủ. Đúng như thế, chỉ có thể tự làm mới mong thoát khỏi cái nghèo, mới có cái tết đầy đủ. Nhà nước phải nhận ra thế, đừng để cuối năm lại lo quà tết cho dân. Lo thế nào nổi cho gần trăm triệu con người!