Dân Việt

Những HLV kiêm... bác sĩ

Hoài Việt 27/02/2014 10:39 GMT+7
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, giới thể thao đều hướng về các bác sĩ thể thao - những người góp công chính giúp huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) chiến thắng trong mọi ca chấn thương.
Vì thế, người trong giới mới đùa vui rằng, HLV trực tiếp của họ chính là những bác sĩ hiệu quả nhất. Điều ấy không sai chút nào. Hình ảnh Vũ Thị Hương của tổ điền kinh cự ly ngắn luôn được HLV ruột Nguyễn Đình Minh làm động tác mátxa cơ đùi ngay trên đường piste sân thi đấu đã quá quen thuộc.

Tưởng chừng, ông Minh hay nhiều HLV điền kinh nói chung chỉ có công việc chuyên môn là chính. Tuy vậy, họ đều song hành thực hiện luôn vai trò bác sĩ trị liệu cho học trò. “Trị liệu tức thời như vậy cũng để Hương có được sự thoải mái nhất ở các múi cơ trước khi vào chạy hoặc sau thi đấu”- HLV Nguyễn Đình Minh giãi bày.

HLV Nguyễn Đình Minh (trái) luôn song hành cùng những bước thăng - trầm  trong sự nghiệp của “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương.
HLV Nguyễn Đình Minh (trái) luôn song hành cùng những bước thăng - trầm trong sự nghiệp của “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương.

Không khác HLV Nguyễn Đình Minh nhưng HLV lão làng Bùi Lương lại có phương thức riêng ở vai trò… bác sĩ kiêm nhiệm này. Sở trường là huấn luyện chạy việt dã và cự ly dài, qua bao lứa VĐV được “bố” Lương huấn luyện là ngần ấy người đã được ông xoa bóp, dìu đi tránh bị ngất lả.

Chạy đường dài rất mệt nên khi về đích gần như các chân chạy chỉ muốn đổ quỵ. Bằng kinh nghiệm lâu năm, ông Bùi Lương luôn làm động tác tâm lý ngay trên đường chạy đối với học trò và khi hồi chuông báo sắp cán đích, người ta đã thấy ông luôn đứng thường trực chỉ để đỡ ngay học trò dìu đi tránh không được ngồi xuống tức thì. “Ngồi xuống là bị trụy tim ngay vì tất cả đang hoạt động mạnh và VĐV lại dừng đột ngột.

Tới giờ, các môn thể thao luôn cần bác sĩ riêng đi cùng đội tuyển và điều đó vẫn phải chờ mong từng ngày.

Vì thế, tôi phải dìu các cháu đi lại một vài phút để lấy nhịp thở lại thì khỏe ngay” - ông Lương từng phân tích. Ngoài ra, không thiếu những HLV còn sắm vai trò là bác sĩ tâm lý cho học trò.

Theo sát Thạch Kim Tuấn từ tấm bé, HLV Huỳnh Hữu Chí (cử tạ) hiểu rõ nhất cử nhất động của Tuấn. Vì thế, ở bất cứ cuộc đấu nào, ông Chí cũng luôn thực hiện các tác động tâm lý cho học trò. Vị HLV này từng kể, tâm lý của VĐV rất quan trọng trước và trong thi đấu. Nên chỉ HLV làm việc trực tiếp với VĐV, hiểu VĐV nhất sẽ có tác động hữu hiệu nhất.

Còn trong môn thể dục dụng cụ gần như 100% VĐV đeo đuổi môn này đều tự là bác sĩ của bản thân. Chuyện rách tay, trầy đầu gối, bong gân, trẹo mắt cá… là quen thuộc trong tập luyện thể dục dụng cụ.

Vì thế, thường trực cùng những dụng cụ tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) là hộp thuốc y tế. Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Đỗ Ngân Thương không ít lần đùa vui rằng ngày đầu còn bé luôn mếu máo và nhờ các anh chị lớn hơn băng hoặc xoa dầu khi gặp chấn thương như vậy. “Lớn và lâu dần, chúng tôi tự quen, tự làm và băng tay, chân…thuần thục hơn” - cựu VĐV và nay đã là HLV Ngân Thương chia sẻ.

Tới giờ, các môn thể thao luôn cần bác sĩ riêng đi cùng đội tuyển và điều đó vẫn phải chờ mong từng ngày.