PGS- TS Đặng Nguyên Anh - Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết, đây là lần đầu tiên một điều tra quốc gia về vấn đề hôn nhân đồng giới được thực hiện. Điều tra đã được thực hiện với 5.300 người trên 68 xã/phường thuộc 8 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đám cưới đồng tính tập thể do Trung tâm Hoạt động vì quyền của người đồng tính tổ chức tại Hà Nội. (nguồn ảnh: internet)
Theo kết quả điều tra, có đến 90% số người được hỏi biết về
đồng tính, 62% biết về việc sống chung như vợ chồng giữa hai người cùng giới tính; 30% có người quen là người đồng tính; gần 34% số người được hỏi (33,7%) ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.
Về việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, số người ủng hộ và không ủng hộ gần tương đương nhau, tương ứng là 41,2% và 46,7%. “Như vậy, không ít người đang ủng hộ hình thức sống chung cùng giới nên được hợp pháp hóa theo dạng “kết hợp dân sự” hoặc “đăng ký sống chung như vợ chồng” - TS Nguyên Anh khẳng định.
Về khao khát được nuôi con và nhận con nuôi của các cặp đồng tính, có tới 56% số người được hỏi ủng hộ; 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung, 47% ủng hộ quyền thừa kế tài sản. Các quyền này nên được đề cập đến trong Luật Hôn nhân - Gia đình phù hợp với quan điểm của đa số người dân.
Có tới 73% số người được hỏi cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến gia đình hay cá nhân họ. Tuy nhiên, có tới 90% cho rằng nếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính thì sẽ có tác động đến cộng đồng xã hội kể cả tích cực và tiêu cực. Cũng có 20% cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ có tác động tiêu cực đến gia đình họ.
Ông Lê Quang Bình - Viện trưởng iSEE nhận định: “Dự thảo Luật Hôn nhân - Gia đình (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5.2014. Do đó, với kết quả điều tra này, hy vọng các nhà làm luật sẽ xem xét để điều chỉnh Luật Hôn nhân - Gia đình sao cho phù hợp và tiếp cận dần đến nguyên tắc bình đẳng trong luật pháp Việt Nam”.
Đọc các bài viết khác trong chuyên mục tại đây