Dân Việt

Niềm tin từ chuyến biển giáp tết

Đình Thiên 18/01/2014 06:45 GMT+7
Khi hơi gió se se lạnh tràn về miền Trung vào những ngày cuối năm thì những ngư dân ở đây lại rộn ràng trong không khí chuẩn bị cho chuyến ra khơi giáp tết đầy hy họng...
Lo tết cho gia đình

Những ngày này, theo kinh nghiệm của các ngư dân miền Trung thì sóng biển "hiền như cục đất". Vì vậy tất cả tàu thuyền lớn nhỏ đều tập trung nhân vật lực để chuẩn bị cho những chuyến ra biển Hoàng Sa, Trường Sa hy họng trúng luồng cá lớn để tết này mua áo quần mới cho mấy đứa con, sắm cho vợ vài vật dụng gia đình.

Ngư dân chuẩn bị xuất bến ra khơi đánh bắt (chụp tại âu thuyển Thọ Quang sáng 16.1).
Ngư dân chuẩn bị xuất bến ra khơi đánh bắt (chụp tại âu thuyển Thọ Quang sáng 16.1).

Đang neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), anh Trần Huy (trú TP.Đồng Hới, Quảng Bình) - chủ tàu QB 91465 cho biết, tàu vừa cập cảng để bán hải sản sau chuyến đi hơn 20 ngày trên biển. “Chuyến này vào không có lời bao nhiêu bởi tàu về nhiều quá, giá hải sản hạ. Giờ tôi cho anh em khẩn trương chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để cho tàu quay trở lại biển. Chuyến đi lần này sẽ cận ngày Tết Nguyên đán mới cập bờ. Anh em ai cũng muốn về với gia đình cả rồi. Nhưng 4-5 tháng lại đây thời tiết khắc nghiệt quá, bão lũ liên tục nên thu nhập của tôi và thuyền viên hầu như không có. Bởi vậy tất cả đồng lòng gắng làm thêm chuyến nữa, mong vớt vát được ít đồng về tiêu tết” - anh Huy tâm sự.

Chuyến ra biển cuối năm này anh Huy chuẩn bị hơn hơn 800 cây đá cùng hàng chục tấn nguyên liệu khác với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng. “Chi phí như thế này là cao hơn 20%-30% so với những chuyến ngày thường vì mình bồi dưỡng thêm cho anh em, lấy tinh thần làm việc...” - anh Huy nói.

Còn ông Nguyễn Sơn - chủ tàu Qng 90322 (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết: Mùa biển này ngư dân gặp không ít khó khăn vì giá nhiên liệu, ngư cụ liên tục tăng cao nhưng ông và 20 bạn đi trên tàu của mình vẫn quyết định cho tàu thẳng tiến biển Hoàng Sa để thực hiện phiên biển cuối cùng, mong kiếm chút tiền lo tết cho gia đình.

Theo ông Sơn, tới con nước trăng tháng 12 hàng năm thì luồng cá sẽ dày đặc và lớn hơn những ngày thường. Vì vậy chỉ cần trúng một chuyến cuối năm nay thôi là bằng 5-7 chuyến khác. “Như năm ngoái chuyến biển hơn 1 tháng vào cuối năm thu lãi gần 1 tỷ đồng, anh em thuyền viên người được hơn 30 triệu về ăn tết. Mong rằng năm nay mọi thứ diễn ra thuận lợi như vậy” - ông nói.

Còn anh Nguyễn Xanh (trú huyện Bồng Sơn, Bình Định) chủ tàu BĐ 92173 (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thì cho hay: Hiện giá xăng dầu cũng như nhu yếu phẩm đều tăng nhưng anh và một số chủ tàu cá cùng huyện vẫn cho tàu ra khơi, bởi cận tết giá hải sản luôn rất cao do sức tiêu thụ của thị trường tăng mạnh. Vì vậy nếu gặp luồng hải sản tốt thì trúng "mánh" là chuyện đương nhiên.

Cùng nhau làm “cột mốc” trên biển

Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), khi được hỏi, tất cả ngư dân đều khẳng định lý do bám ngư trường xa dài ngày và có thể ở lại ăn Tết Nguyên đán ngay trên biển không chỉ vì lo kinh tế cho gia đình mà bởi vì không muốn để trống vùng biển quê hương.


Nếu ở lại đêm giao thừa trên biển thì tất cả các tàu thuyền ở gần nhau sẽ liên lạc tập trung về một chỗ cùng hú còi vang trời chào năm mới. Rồi anh em quây quần chúc nhau ly rượu, dùng bộ đàm gọi về nhà chúc tết vợ con…”.
- Ngư dân Nguyễn Xuân Văn (tàu
QB 91577, Quảng Bình)

Để sẵn sàng đón cho anh em thuyền viên đón giao thừa ngay trên biển, rất nhiều chủ tàu đã chuẩn bị thêm các loại hương vị tết như mứt, bánh kẹo, hạt dưa hay rất nhiều rượu... Anh Lê Văn Chiến (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - chủ tàu Đna 90351, người nhiều năm ăn tết trên biển Hoàng Sa cho hay: Ra biển dịp tết cũng là góp phần giữ gìn lãnh hải đất nước. Dịp tết tàu cá nước ngoài thường xâm phạm lãnh hải đánh bắt trộm hải sản. Đã nhiều lần anh em ngư dân ăn tết trên biển phát hiện tàu “lạ” kịp thời báo với bộ đội biên phòng để xua đuổi.

“Một điều tất cả ngư dân đều mong muốn nhất trong dịp này là có thật nhiều tàu hậu cần ra biển thu mua hải sản rồi tiếp nguyên nhiên liệu cho họ để họ có thêm thời gian bám biển” - anh Chiến nói.

Mang nỗi niềm trên của ngư dân đến với anh Lê Văn Sang (quận Hải Châu, Đà Nẵng) - chủ tàu dịch vụ hậu cần lớn nhất miền Trung có số hiệu ĐNa 90444, anh cho hay: Vào thời gian này, năm nào mình cũng cho tàu hoạt động hết công suất để tiếp tế lương thực rồi thu mua hải sản cho các tàu đánh bắt trên biển dài ngày. Nếu cần thiết ngay giữa tết mình cũng cho tàu chạy ra biển. Tuy nhiên nhu cầu của ngư dân là quá lớn. Phải cần nhiều tàu dịch vụ hậu cần lớn nữa mới đáp ứng đủ.

Tại Âu thuyền Thọ Quang, hàng trăm con tàu đủ các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đã cam kết hỗ trợ liên kết giúp nhau trên biển. Họ cùng nhau cầu mong sao cho trời êm biển lặng, nguồn hải sản dồi dào để mỗi con tàu ra khơi sẽ chở tết, chở niềm vui cập bờ thêm đó nữa là cùng nhau canh giữ biển trời Tổ quốc.